1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát triển trồng thanh long ở các tỉnh phía Bắc

(Dân trí) - Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã bước đầu nghiên cứu thành công về việc tuyển chọn được giống và xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác thích hợp cho sản xuất thanh long ở các tỉnh phía Bắc, năng suất cao, đạt chất lượng xuất khẩu.

Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp KH&CN phát triển thanh long ở các tỉnh phía Bắc” do TS. Nguyễn Quốc Hùng làm Chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chủ trì, với mục tiêu thu thập được bộ giống thanh long làm nguồn vật liệu cho công tác chọn tạo giống; Tuyển chọn được 1 - 2 giống thanh long trồng thích hợp ở các tỉnh phía Bắc có năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha ở thời kỳ ổn định năng suất và có chất lượng quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; Xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống và canh tác thanh long đạt năng suất 25 - 30 tấn/ha, có chất lượng quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phát triển trồng thanh long ở các tỉnh phía Bắc - 1

Sau hơn 3 năm thực hiện, đề tài đã thu thập được 42 mẫu giống thanh long từ các nguồn trong nước và nhập nội, trong đó có 12 mẫu giống thanh long vỏ đỏ ruột trắng, 28 mẫu vỏ đỏ ruột đỏ, 1 mẫu vỏ xanh ruột trắng và 1 mẫu vỏ vàng ruột trắng. Hiện tại tất cả các mẫu giống thanh long này đang được trồng đánh giá tại Viện Nghiên cứu rau quả; tuyển chọn được 2 giống thanh long ruột đỏ (TL4, TL5) có khả năng sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao, chất lượng quả tốt và trồng thích hợp ở một số tỉnh phía Bắc.

Sau gần 4 năm, năng suất đạt 23,5-25,8 kg quả/trụ, tương đương 25,85-28,38 tấn/ha; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống thanh long ruột đỏ có tỷ lệ cây xuất vườn cao và chất lượng cây giống tốt; hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long ruột đỏ cho một số tỉnh phía Bắc; xây dựng được 1,2 ha mô hình trồng và thâm canh 2 giống thanh long ruột đỏ tại Uông Bí (Quảng Ninh), Lập Thạch (Vĩnh Phúc).

Nhóm nghiên cứu cũng đã sử dụng cành giâm 9 tháng tuổi, kích thước cành 30 - 40 cm kết hợp với sử dụng chất kích thích ra rễ IBA nồng độ 700ppm và giâm cành thanh long trên nền cát sông, trấu hun rút ngắn thời gian ra rễ của cành giâm, có chất lượng rễ tốt và cho tỷ lệ xuất vườn đạt 100%. Xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống thanh long ruột đỏ bằng phương pháp giâm cành ở các tỉnh phía Bắc, chất lượng rễ của cành giâm tốt, đảm bảo tỷ lệ sống khi trồng cao; thời gian từ khi giâm đến đạt tiêu chuẩn xuất vườn ngắn tương tự thời gian nhân giống của giống thanh long ruột đỏ ở các tỉnh phía Nam; cây giống đạt chất lượng tốt tương tự chất lượng cây giống thanh long ruột đỏ được nhân giống bằng phương pháp giâm cành ở các tỉnh phía Nam. Kết quả nghiên cứu mở ra cơ hội áp dụng vào thực tiễn để phát triển trồng thanh long tại những vùng đất khô cằn của một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện các báo cáo các quy trình và triển khai phổ biến nhân rộng kết quả dự án cho các tỉnh có điều kiện phù hợp với cây thanh Long tại phía Bắc.

P.A.T (NASATI)