1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát triển nông nghiệp thông minh thành công cần cả hệ thống chính trị vào cuộc

(Dân trí) - “Về tổng thể, để phát triển Nông nghiệp 4.0 thành công, chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông – những chủ thể quyết định sự thay đổi của bộ mặt ngành nông nghiệp nước nhà” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Báo Nông Thôn Ngày Nay/điện tử Dân Việt tổ chức Diễn đàn nông dân Việt Nam lần 2 với chủ đê “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0”. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 5.

Tại Diễn đàn, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung Ương HND Việt Nam cho biết, mặc dù, nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được những thành tựu vẻ vang, có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Song, trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng; trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và những khó khăn nội tại trong nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là: sản xuất nhỏ - Thị trường lớn; đầu tư cho nông nghiệp thấp mà rủi ro trong nông nghiệp cao; tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; thị trường, thương hiệu nông sản và ô nhiễm môi trường; đất đai manh mún, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn thấp.

Ông Lại Xuân Môn phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Lại Xuân Môn phát biểu tại Diễn đàn.

"Hiện nay cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên, phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng 4.0" - ông Môn cho biết.

Phát biểu tại Diễn đàn trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Trong bối cảnh đó, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp và thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Để nông nghiệp 4.0 phát triển được phải cả hộ thống chính trị vào cuộc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Để nông nghiệp 4.0 phát triển được phải cả hộ thống chính trị vào cuộc".

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu”, tạo tiền đề cho Cách mạng nông nghiệp 4.0.

Phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này. Diễn đàn hôm này có ý nghĩa rất thiết thực để phát triển nông nghiệp 4.0, đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước.

Về tổng thể, để phát triển Nông nghiệp 4.0 thành công, chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông – những chủ thể quyết định sự thay đổi của bộ mặt ngành nông nghiệp nước nhà.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới dựa trên sự phát triển của nhiều công nghệ, đặc biệt là internet, điện toán đám mây và công nghệ thông tin (CNTT), của trí tuệ nhân loại (AI), công nghệ in 3D, tự động hóa…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa…để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Nông nghiệp 4.0 bao hàm nghĩa rộng của cả trồng trọt, chăn nuôi về nghiên cứu chuyển giao và sản xuất.

Nông nghiệp hiện đại quan tâm đến độ bền vững và các giải pháp an toàn. Canh tác là thực hiện những kỹ thuật như làm đất, gieo cấy, tỉa cành, luân canh, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản với mục tiêu đạt năng suất cao, bảo vệ môi trường tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số.

Trên thế giới, nông nghiệp 4.0 hay còn gọi là nông nghiệp thông minh đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Braxin, Achentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp nước này giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương. Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân nông nghiệp (1,5%) trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưng không phải nhập khẩu gạo mà còn xuất khẩu thịt bò và một số rau quả. Tại Malaysia, quốc gia ở Asean gần Việt Nam đã ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt thu nhập hơn gấp đôi (+129%).

Nguyễn Dương