Phát minh miếng dán insulin không đau cho người bị tiểu đường
(Dân trí) - Miếng dán lên da mới được phát minh có thể sẽ là một cuộc cách mạng hóa về phương pháp điều trị đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, và chấm dứt các mũi tiêm insulin đầy đau đớn cho bệnh nhân.
Người bệnh có thể dùng miếng dán này một lần mỗi tuần và nó sẽ tự động kích thích cơ thể tạo ra lượng insulin cần thiết.
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 ảnh hưởng đến việc sản xuất hoóc-môn trong cơ thể. Miếng dán này sẽ hoạt động bằng cách cung cấp một hợp chất có nguồn gốc từ tảo nâu vào trong cơ thể thông qua các đầu kim siêu nhỏ.
Hiện tại, bệnh nhân đái tháo đường đều phải tiêm insulin.
Cho đến nay, miếng dán này mới chỉ được thử nghiệm thành công trên loài chuột, nhưng các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Hình ảnh và Kỹ thuật sinh học Quốc gia (Mỹ) rất tự tin với bước đột phá này.
Tiến sĩ Richard Leapman – giám đốc khoa học của viện nghiên cứu này cho biết: “phương pháp tiếp cận đã được thử nghiệm có thể là một cách để tận dụng một điều thuận lợi là thực tế, các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 vẫn có thể sản sinh ra insulin”.
Theo ông chia sẻ, việc dùng tấm dán với các đầu kim siêu nhỏ này mỗi tuần có thể sẽ đơn giản và ít đau đớn hơn so với yêu cầu phải kiểm tra máu thường xuyên như hiện nay.
Trên thế giới hiện có khoảng 371 triệu người mắc bệnh đái tháo đường.
Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) ước tính có khoảng 371 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường, vì vậy, miếng dán insulin này sẽ rất được chào đón. Có một phương pháp chuyển insulin dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người được điều trị hơn, ngăn ngừa được nhiều bệnh liên quan đến đái tháo đường như mù, đau tim và cụt chi. Hiện tại, các bệnh nhân đái tháo đường vẫn cần phải dùng đến kim tiêm mới có thể điều chỉnh lượng insulin.
Anh Thư (Theo Metro)