1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện vật thể bí ẩn "nhấp nháy" gần trung tâm thiên hà

Trang Phạm

(Dân trí) - Có vô số ngôi sao cuộn xoáy khối khí nhưng đặc biệt có một nguồn sáng đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu khi quan sát dải ngân hà. Đó là một ngôi sao… nhưng nó đang "nhấp nháy".

Phát hiện vật thể bí ẩn nhấp nháy gần trung tâm thiên hà - 1

Phát hiện vật thể bí ẩn "nhấp nháy" gần trung tâm thiên hà.

Vật thể này được gọi là VVV-WIT-08, nó có thể thuộc một lớp sao khổng lồ hoàn toàn mới được gọi là "sao khổng lồ nhấp nháy".

Việc quan sát ngôi sao không hề dễ dàng vì nó cách chúng ta khoảng 25.000 năm ánh sáng và nằm giữa Trái đất và trung tâm thiên hà. Trung tâm của dải Ngân hà, giống như trường hợp của hầu hết các thiên hà, có mật độ dày đặc của các ngôi sao, vì vậy việc phát hiện các ngôi sao riêng lẻ và quan sát cách chúng hoạt động có thể là một thách thức thực sự.

Trong trường hợp của VVV-WIT-08, quá trình quan sát mất hàng tháng, do thói quen kỳ lạ của ngôi sao là ngày càng mờ và mờ đi trong một khoảng thời gian dài, sau đó lại sáng.

Thực tế, khi các nhà thiên văn tìm kiếm ngoại hành tinh, một trong những công cụ chính trong kho của họ là khả năng sử dụng kính thiên văn công suất cao để quan sát những thay đổi về độ sáng của các ngôi sao ở xa.

Nếu một ngôi sao hơi mờ đi trong một khoảng thời gian ngắn trước khi sáng trở lại, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy có một hành tinh quay quanh nó. Khi hành tinh đó đi qua giữa ngôi sao và Trái đất, chúng ta không thể nhìn thấy chính hành tinh đó nhưng chúng ta có thể thấy độ sáng giảm và điều đó có thể cho chúng ta biết nhiều điều về vật thể đi qua trước mặt nó.

Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng VVV-WIT-08 cũng đang được quay quanh bởi một thứ gì đó đang cản ánh sáng của nó, nhưng họ hoàn toàn không biết đó là gì. Bản thân ngôi sao này có khối lượng lớn, lớn hơn khoảng 100 lần so với Mặt trời của chúng ta, và nó "nhấp nháy" sau mỗi vài thập kỷ.

Khi ngôi sao mờ dần trên bầu trời, đó là một sự thay đổi đáng kể. Bất cứ thứ gì quay quanh ngôi sao gần như chặn hết ánh sáng của nó, điều đó có nghĩa là nó phải rất lớn. Đó là một bí ẩn lớn và ngay cả tên của ngôi sao cũng gợi ý đến sự thật mà các nhà thiên văn học không thể giải thích được.

"Thỉnh thoảng, chúng tôi tìm thấy các ngôi sao biến đổi không phù hợp với bất kỳ danh mục đã được thiết lập nào, mà chúng tôi gọi là các đối tượng "cái-gì-đây?", hoặc là các đối tượng "WIT"". Chúng tôi thực sự không biết những người khổng lồ chớp nhoáng này đã ra đời như thế nào. Thật thú vị khi thấy những khám phá như vậy sau rất nhiều năm lập kế hoạch và thu thập dữ liệu", giáo sư Philip Lucas, đồng trưởng dự án, cho biết.