1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện tường xây bằng xương người dưới nền nhà thờ ở Bỉ

(Dân trí) - Mới đây, trong khi đào nền một nhà thờ ở Ghent, Bỉ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những bước tường xây bằng vật liệu ghê rợn: xương người, trong đó có cả xương sọ vỡ.

Toàn bộ cuộc đào bới phát lộ 9 bức tường, hầu hết xây bằng xương đùi và xương ống chân người lớn. Phần giữa tường toàn là xương sọ, rất nhiều cái đã bị vỡ.

Phát hiện tường xây bằng xương người dưới nền nhà thờ ở Bỉ - 1

Toàn bộ cuộc đào bới phát lộ 9 bức tường, hầu hết xây bằng xương đùi và xương ống chân người lớn.

Theo chuyên gia của công ty Hà Lan Ruben Willaert đang thi công ở đây thì những kết cấu đáng sợ này có vẻ là do những người công nhân hàng trăm năm trước đã dọn dẹp một nghĩa địa để lấy chỗ chôn những người khác hoặc để cải tạo một nhà thờ, và vì khi giải phóng mặt bằng khu vực sân nhà thờ thì không thể vứt các bộ xương đi đâu được vì người ta tin rằng xương là phần quan trọng nhất để người chết được hồi sinh.

Việc bảo vệ những phần còn lại của xác người quan trọng đến nỗi đôi khi người ta xây những ngôi nhà bằng đá dựa vào các bức tường của nghĩa trang để cất những chiếc tiểu giữ xương sọ và những khúc xương dài.

Các bức tường bằng xương này được tìm thấy ở cạnh Bắc của nhà thờ thánh Bavo, trước đây là nhà thờ thánh John Baptist hay còn gọi là thánh Jan. Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy những bộ xương này có từ nửa cuối thế kỉ XV, nhưng các bức tường sau đó đã được xây dựng lại vào thế kỉ XVII hoặc đầu XVIII.

Các tài liệu lịch sử cũng chứng minh thời điểm đó là phù hợp. Một tài liệu có ghi rằng nghĩa trang của nhà thờ đã được dọn đi trong nửa đầu của thế kỉ XVI và sau đó là vào năm 1784, khi nghĩa trang không nhận thêm người nào nữa.

Cho dù là có niên đại bao nhiêu thì những bước tường này vẫn là một phát hiện duy nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết họ không hề tìm thấy công trình tương tự ở bất cứ nơi nào khác ở Bỉ. Hầu hết các nghĩa trang cổ đều có nhiều hố hoặc lớp đầy xương người lộn xộn, còn xương xếp thành các kết cấu như là tường thế này, tức là những người xây nên đều có chủ đích, thì chưa từng gặp bao giờ.

Cho dù là ai đã xây những bức tường này thì chắc chắn là họ đã rất vội vàng, vì họ xếp lẫn cả xương nhỏ và xương dễ vỡ như là xương sườn, đốt sống, xương bàn tay, bàn chân vào cùng. Tuy nhiên, điều gây tò mò là các nhà khảo cổ không hề tìm thấy mảnh xương cánh tay nào và họ đang tìm hiểu vì sao lại như vậy. Liệu là vì lý do thuận tiện trong việc xếp xương cho chặt hay còn vì một lý do về tôn giáo, tâm linh nào khác.

Những bức tường xương này là xương người lớn cả nam và nữ nhưng không có xương trẻ em, điều này mâu thuẫn với tuổi thọ của người thời đó, khi mà trẻ em hay bị chết vì bệnh tật. Nhưng cũng có thể giải thích là do công việc dọn mộ, xương trẻ em nhỏ và dễ gãy nên công nhân đã không thu nhặt lại.

Hiện nay những mảnh xương này được quy tập về Trường đại học Ghent để phục vụ công tác nghiên cứu.

Phạm Hường

Theo Live Science

Phát hiện tường xây bằng xương người dưới nền nhà thờ ở Bỉ - 2