Phát hiện tiểu hành tinh tiến gần Trái Đất hơn Mặt Trăng trong hôm nay
(Dân trí) - Một tiểu hành tinh có kích thước gần bằng một ngôi nhà sắp phóng qua Trái Đất. Chúng ta có nên lo lắng?
Hôm nay (17/3), tiểu hành tinh mới được phát hiện mang mã danh 2023 EY sẽ đi ngang qua hành tinh của chúng ta.
Với đường kính xấp xỉ 16 mét, nó có kích thước tương đương với thiên thạch Chelyabinsk đã phát nổ ở Siberia tròn 10 năm trước. Vụ việc khi ấy gây ra nhiều thương tích cho người dân trong khu vực, chủ yếu do sóng xung kích của thiên thạch khi nó phát nổ.
May mắn thay, tiểu thiên thạch 2023 EY sẽ không đi vào bầu khí quyển của chúng ta. Cự li gần nhất của tiểu hành tinh được ghi nhận là khoảng 240.000 km - tương đương 2/3 khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng.
Mặc dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường, song với sự trợ giúp của một số thiết bị chuyên dụng, người yêu thích thiên văn có thể quan sát thấy tiểu hành tinh đang tiến về Trái Đất, sau đó tiếp tục hành trình của nó xung quanh Mặt Trời.
Tiểu hành tinh được phát hiện lần đầu tại một kính viễn vọng tại Trạm quan sát Sutherland ở Nam Phi vào ngày 14/3. Đây là 1 trong 4 kính viễn vọng tạo nên mạng lưới ATLAS (Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động của tiểu hành tinh đối với mặt đất), được thành lập bởi Đại học Hawaii và được NASA tài trợ để cung cấp một hệ thống cảnh báo sớm tác động của tiểu hành tinh.
Với 3 kính viễn vọng khác ở Hawaii và Chile, mục tiêu của ATLAS là có thể phát hiện thấy một tiểu hành tinh vài ngày trước khi nó tiếp cận Trái Đất ở một khoảng cách đủ gần.
Theo báo cáo của NASA, ước tính có gần 2.000 tiểu hành tinh với kích thước lớn hơn khoảng 150 mét đang nằm trong phạm vi 7,5 triệu km của Trái Đất. Đây được xác định là những vật thể bay có khả năng gây nguy hiểm với Trái Đất, dù đang trôi dạt bất định ngoài không gian.