Phát hiện sư tử khổng lồ thời cổ đại ở Kenya
(Dân trí) - Con thú này nặng đến 1.500 kg và có những chiếc răng nanh cực lớn. Người ta đã tìm thấy bộ xương của nó nhiều năm trước nhưng lâu nay vẫn tưởng là xương của một loài vật khác.
Ngày 18/4/2019 vừa qua, các nhà cổ sinh vật học ở Kenya cho biết họ đã phát hiện ra tổ tiên của loài sư tử ngày nay. Chúng sống ở các hoang mạc vào khoảng 23 triệu năm trước, cân nặng đến 1.500 kg và thức ăn chủ yếu là những sinh vật giống như voi ngày nay.
Nhà khoa học của Trường đại học Ohio, Mỹ - ông Matthew Borths cho biết nhóm của ông đã tìm thấy xương hàm dưới, răng và nhiều xương khác của loài Simbakubwa kutokaafrika. Ông nói “dựa vào những chiếc răng rất to của Simbakubwa, có thể nói nó là một loài thú ăn thịt khổng lồ, to lớn hơn nhiều so với sư tử ngày nay hay bất cứ một loài thú ăn thịt trên cạn nào ở châu Phi và có thể là to hơn cả gấu Bắc Cực”.
So sánh kích thước giữa Simbakubwa kutokaafrikra và người hiện đại.
Trong bài nghiên cứu đã công bố, các nhà khoa học giải thích rằng tên khoa học của loài vật này lấy theo tiếng Swahili và có nghĩa là “sư tử châu Phi khổng lồ”.
Simbakubwa sống trong kỷ Trung Tân, một thời kỳ quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tổ tiên của chúng ta. Kỷ Trung Tân là giai đoạn mà loài vượn đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất và cũng là khi các loài thú có vú phát triển hoàn chỉnh.
Người ta tìm thấy xương của Simbakubwa vài chục năm trước khi đào công trường để xây cầu Meswa ở phía tây Kenya, nhưng lại tưởng là xương của loài vật khác.
Phạm Hường (Theo DW)