1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện ngôi đền cổ sớm nhất trong lịch sử loài người

(Dân trí) - Ngôi đền cổ có niên đại sớm hơn khoảng 6.000 năm so với kỳ quan Stonehenge, được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những khám phá quan trọng nhất trong thời kỳ đồ đá mới.

Phát hiện ngôi đền cổ sớm nhất trong lịch sử loài người - 1
Hình ảnh khu vực đền cổ Gotbekli Tepe.

Khu phức hợp ngôi đền đá cổ có tên Gotbekli Tepe có niên đại khoảng 11.500 năm nằm ở phía đông nam Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là ngôi đền được biết đến sớm nhất trong lịch sử loài người.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv và Cơ quan Cổ vật Israel đã sử dụng phương pháp phân tích kiến ​​trúc để khám phá ra bố cục của các cấu trúc đá tròn ấn tượng của Gotbekli Tepe lắp ráp với các cột đá vôi khổng lồ.

Theo nhà nghiên cứu Gil Haklay thuộc Cơ quan Cổ vật Israel và Giáo sư Avi Gopher thuộc Khoa Khảo cổ học và Văn minh Cận Đông cổ đại của Đại học Tel Aviv, ba trong số các cấu trúc tròn hoành tráng của Gotbekli Tepe lớn nhất có đường kính khoảng 20 mét.

“Göbekli Tepe là một kỳ quan khảo cổ học. Nó được xây dựng bởi các cộng đồng thời đồ đá mới cách đây 11.500 đến 11.000 năm, có các cấu trúc đá tròn khổng lồ và các cột đá khổng lồ cao tới 5,5 mét. Vì không có bằng chứng liên quan đến canh tác nông nghiệp hoặc thuần hóa động vật vào thời điểm đó, nơi này được cho đã được xây dựng bởi những người chuyên săn bắn hái lượm. Tuy nhiên, sự phức tạp về kiến ​​trúc của nó rất khác thường đối với họ", Giáo sư Gopher giải thích.

Được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà khảo cổ học người Đức là tiến sĩ Klaus Schmidt vào năm 1994, kể từ đó, Gotbekli Tepe là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận khảo cổ học. Trong khi các di tích thời đồ đá mới khác đã được nghiên cứu chuyên sâu thì vấn đề quy hoạch kiến ​​trúc trong các thời kỳ này và sự phân nhánh văn hóa của nó vẫn còn bỏ ngỏ.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đã đưa ra quan điểm cho rằng các hạng mục của đền thờ cổ Gotbekli Tepe tại khu vực khai quật chính được xây dựng thêm theo thời gian. Tuy nhiên, Haklay và Giáo sư Gopher lại cho rằng ba trong số các cấu trúc được thiết kế như một dự án duy nhất và theo một mô hình hình học mạch lạc.

"Bố cục của khu phức hợp được đặc trưng bởi hệ thống phân cấp không gian và biểu tượng phản ánh những thay đổi trong thế giới tâm linh và trong cấu trúc xã hội. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi đã sử dụng một công cụ phân tích là một thuật toán dựa trên ánh xạ độ lệch chuẩn, để xác định một mô hình hình học cơ bản điều chỉnh thiết kế. Nghiên cứu này giới thiệu thông tin quan trọng liên quan đến sự phát triển ban đầu của quy hoạch kiến ​​trúc ở Levant (khu vực bao gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine) và trên thế giới”, các nhà nghiên cứu cho biết.

"Trường hợp quy hoạch kiến ​​trúc ban đầu này có thể đóng vai trò là một ví dụ tiêu biểu về những thay đổi văn hóa trong thời kỳ đầu của thời kỳ đồ đá mới. Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng các biến đổi kiến ​​trúc chính trong giai đoạn này, chẳng hạn như quá trình chuyển đổi sang kiến ​​trúc hình chữ nhật, là các quá trình từ trên xuống dựa trên kiến ​​thức được thực hiện bởi các chuyên gia.

Các phương pháp quy hoạch kiến ​​trúc cơ bản và quan trọng nhất đã được nghĩ ra ở Levant vào cuối thời đại đồ đá như là một phần của văn hóa Natufian nguyên thuỷ và qua thời kỳ đồ đá mới. Nghiên cứu mới của chúng tôi chỉ ra rằng các phương pháp quy hoạch kiến ​​trúc, quy tắc thiết kế trừu tượng và mô hình tổ chức đã được sử dụng trong giai đoạn hình thành này trong lịch sử loài người”, nhà nghiên cứu Haklay nói nhấn mạnh.

Trang Phạm

Theo Phys