Phát hiện mới có thể chấm dứt tranh luận về sự sống trên sao Hỏa
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã xác định được một khu vực trên sao Hỏa có điều kiện để sự sống tồn tại. Phát hiện này có thể giải quyết cuộc tranh luận gay gắt lâu nay về hành tinh Đỏ.
Vùng đất được đặt tên là Đồng bằng Acidalia trên sao Hỏa nằm ở bán cầu bắc, có chiều dài 2.900 km. Dưới mặt đất ở đây có lượng nước, nhiệt và năng lượng phù hợp để vi khuẩn sao Hỏa phát triển.
Các dạng sự sống được quan tâm ở đây là các cổ khuẩn sinh methane - các vi khuẩn sản xuất khí methane có thể sống trong môi trường khắc nghiệt như nhiệt độ cao, nước cực mặn hoặc nơi có mức độ bức xạ cao.
Vì chúng kỵ khí, tức là không hít thở oxy, nên những "siêu anh hùng" này không cần oxy để tồn tại và có khả năng phát triển mà không cần chất dinh dưỡng hữu cơ hoặc ánh sáng mặt trời.
Nói ngắn gọn là trên Trái Đất, những sinh vật cực đoan này có thể cư trú ở bất cứ đâu từ đầm lầy đến vật chất chết và đường ruột của động vật. Các nhà nghiên cứu cho rằng Đồng bằng Acidalia trên sao Hỏa có môi trường tương tự như vậy, nên nơi đây là vùng đất lý tưởng cho các cổ khuẩn sinh methane sinh sống.
Qua phân tích dữ liệu do các tàu thám hiểm bay trên quỹ đạo và các tàu đổ bộ sao Hỏa cung cấp, các nhà khoa học đã xác định được một khu vực bên dưới bề mặt có khả năng phù hợp với sự sống nơi đây ở độ sâu khoảng 4,1 đến 8,7 km.
Ở đây có bằng chứng của nước ngầm và địa nhiệt có thể duy trì sự sống, bảo vệ sự sống trước nhiệt độ khắc nghiệt và áp suất thấp trên bề mặt.
Sự phân rã phóng xạ của các nguyên tố như thorium ở đây rất dồi dào, tạo ra nhiệt và năng lượng cần thiết, đồng thời các lớp trầm tích đất sét và carbonate cho thấy có thể có sự tồn tại của nước.
Nhiệt độ trung bình ở đây khoảng 1,6 đến 10 độ C (trong khi trên bề mặt là 26,6 độ C) là môi trường hoàn hảo để đất và nước sao Hỏa hòa trộn với nhau.
Ở đâu có nước, ở đó có khả năng có vi khuẩn tồn tại.
Tuy nhiên, có một trở ngại về thiết bị thăm dò mà chúng ta có thể sử dụng trên sao Hỏa.
Mặc dù Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có kế hoạch phóng tàu thăm dò Rosalind Franklin lên sao Hỏa vào năm 2028 nhưng máy khoan của tàu chỉ có thể thăm dò sâu tối đa 2,1 mét, gần như không đủ sâu để tiếp cận môi trường có thể có sự sống.
Nếu lý thuyết của các nhà nghiên cứu được chứng minh là đúng, nó không chỉ khẳng định sự tồn tại của vi sinh vật trên sao Hỏa mà còn cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về quá trình sinh ra khí methane sinh học trên sao Hỏa.