Phát hiện máu lỏng trong xác ngựa con 42.000 năm tuổi
(Dân trí) - Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã chiết được máu và nước tiểu lỏng từ xác một con ngựa con 42.000 năm tuổi được tìm thấy ở tầng đất đóng bang vĩnh cửu Siberia. Các nhà nghiên cứu người Nga và Hàn Quốc hi vọng có thể sử dụng các chất lỏng này để nhân bản loài ngựa cổ này.
Mùa hè năm ngoái, các nhà khoa học đến từ Bảo tang Voi ma mút thuộc Đại học Liên bang Đông Bắc đã tìm thấy con ngựa con tiền sử bị đóng băng trong tầng đất đóng băng vĩnh viễn ở miệng hố Batagaika. Một cuộc khám nghiệm tiết lộ các cơ quan và mô được bảo tồn tốt, và các nhà nghiên cứu có thể lấy mẫu máu lỏng từ mạch máu ở tim của mẫu vật.
Seymon Grigoryev, giám đốc Bảo tàng Voi ma mút ở Yakutsk, phát biểu với dịch vụ tin tức của Nga, TASS: “Đây là sinh vật Kỷ Băng hà được bảo tồn tốt nhất từng được tìm thấy trên thế giới”.
Cuộc khám nghiệm cho thấy con ngựa đã bị chết chìm trong bùn. Không lâu sau đó, bùn đóng băng và trở thành tầng đất đóng băng vĩnh viễn, tạo ra môi trường lý tưởng cho việc bảo tồn lâu dài.
Grigoryev nói với CNN: “Một cuộc khám nghiệm cho thấy xác con ngựa con được bảo quản cực kỳ tốt, cơ thể không hề bị biến dạng. Lông của nó cũng bảo vệ hầu hết các bộ phận của con ngựa, nhất là phần đầu và các chân”.
Grigoryev và các đồng nghiệp tại Đại học Liên bang Đông Bắc đang làm việc với các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ sinh học Sooam Hàn Quốc về một số dự án nhân bản, bao gồm các nỗ lực nhân bản con ngựa cổ đại này và một con voi ma mút lông.
Dù các nhà nghiên cứu đang cố gắng sử dụng mẫu máu để tách các tế bào có khả năng sống sót cho việc nhân bản, Grigoryev không mấy hi vọng.
Ông nói với CNN: “Tôi nghĩ rằng cho dù máu được bảo quản rất tốt thì cũng không thể dùng để nhân bản được vì các tế bào máu chính – tế bào hồng cầu – không có nhân ADN. Chúng tôi đang cố gắng tìm các tế bào còn nguyên vẹn trong các mô cơ và nội tạng cũng được bảo quản rất tốt”.
Phóng viên George Dvorsky viết trên tờ Gizmodo: “Hồi sinh một loài là một việc gây tranh luận vì nhiều lí do, gồm chất lượng cuộc sống của sinh vật nhân bản bị giảm sút, sẽ khó tránh khỏi các cuộc thí nghiệm trong suốt cuộc đời sinh vật đó”.
Lộc Ninh (Theo UPI)