Phát hiện lõi Trái đất rung lắc một cách bí ẩn theo chu kỳ 8,5 năm
(Dân trí) - Bằng nhiều cách đo khác nhau, các nhà khoa học nhận thấy những dao động kỳ lạ theo chu kỳ sâu trong lòng Trái Đất.
Theo các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Vũ Hán, Trung Quốc, lõi Trái Đất dao động với chu kỳ 8,5 năm và họ nhận thấy độ nghiêng lệch giữa lõi với lớp phủ chỉ 0,17 độ, chứng tỏ lõi Trái Đất đặc hơn ở phía bán cầu Tây Bắc. Đây là một hiện tượng kỳ lạ mà các nhà khoa học nhận thấy cả trong các dữ liệu địa chấn.
Phát hiện này có thể sẽ là "người thay đổi cuộc chơi" trong cách hiểu của chúng ta về hoạt động trong lòng Trái Đất. Một số nghiên cứu địa động lực cho rằng độ nghiêng lệch nói trên lớn hơn nhiều, vào khoảng 10 độ, nhưng những cách đo đạc mới đây giúp các nhà khoa học giải thích các biểu hiện trên mặt đất khi có những biến đổi trong lõi.
Trong lõi Trái Đất có rất nhiều hoạt động mà chúng ta khó có điều kiện tìm hiểu. Chúng ta biết rằng Trái Đất có nhiều lớp, giống như một chiếc bánh hình cầu có nhiều lớp. Ở trong lõi, hoạt động của nó rất mạnh mẽ với những xáo trộn và cuộn trào của đá và kim loại nóng chảy. Càng sâu trong lõi, Trái Đất càng đặc và nặng hơn.
Lõi là một khối cầu kim loại nóng chảy, và ở trung tâm của lõi là lõi trong, một quả cầu sắt đặc có đường kính khoảng 2.450 km, lớn hơn một chút so với kích thước sao Diêm Vương.
Lõi trong là trái tim của Trái Đất bằng nhiều cách hiểu. Khi nó nguội dần, nó giải phóng nhiệt, nhiệt này góp phần đáng kể vào động lực xoáy của lõi ngoài. Lõi ngoài là lớp chất lỏng quay tròn, đối lưu, dẫn điện, chuyển đổi năng lượng cơ học thành năng lượng từ tính, tạo ra từ trường bảo vệ hành tinh chúng ta khỏi bức xạ, thoát khí và gió mặt trời.
Vì những đặc điểm và tầm quan trọng như vậy, các nhà khoa học rất quan tâm đến việc nghiên cứu lõi và lõi trong của Trái Đất, cũng như tất cả những dị thường kỳ quặc dù nhỏ nhất có thể ảnh hưởng đến hoạt động của con người trên bề mặt hành tinh.
Nhưng vì không thể đi đến tận nơi để đo đạc và khảo sát, chúng ta phải dựa vào các phép đo gián tiếp dựa trên những sự vật, hiện tượng chúng ta quan sát được trên bề mặt.
Chúng ta thường nghĩ rằng thời gian Trái Đất tự quay hết một vòng quanh mình là cố định, tức là mất 23 giờ 56 phút và 4,0916 giây. Nhưng thực ra có những dao động rất nhỏ bên trong lõi khiến con số này không hề cố định. Ví dụ, nghiên cứu này cho thấy cứ sau 6 năm hoặc lâu hơn, lõi Trái Đất lại thay đổi hướng quay, khiến cho ngày dài hơn một chút.
Vào năm 2019, một nhóm các nhà khoa học ở Trường đại học Vũ Hán đã nhận thấy một chu kỳ khác trong sự dịch chuyển của hai cực Trái Đất. Sự dịch chuyển này luôn xảy ra rất rõ rệt và do nhiều nguyên nhân, dẫn đến một số hiện tượng khá kỳ lạ. Đồng thời họ nhận thấy một dịch chuyển nhỏ sau khoảng mỗi 8,7 năm và cho rằng đây là một biểu hiện của rung lắc ở lõi trong của Trái Đất.
Họ tiếp tục theo dõi những thay đổi trong chuyển động quay của Trái Đất trùng với chu kỳ 8,7 năm và bằng cách đo đạc cẩn thận từng tín hiệu, họ đã có thể lập bản đồ các đặc điểm quan trọng nhất bên trong lõi Trái Đất gây ra những hiện tượng đó.
Cụ thể là lõi trong nghiêng 0,17 độ so với lớp phủ của Trái Đất. Nói cách khác, trục quay của lõi trong và trục quay của lớp phủ không hoàn toàn thẳng hàng. Điều này tạo ra một sự "lắc lư" mà nhóm nghiên cứu tính toán là xảy ra sau khoảng 8,5 năm, vì hai quả cầu quay quanh hai trục hơi khác nhau.
Ngoài ra, các dấu hiệu khác còn là ranh giới giữa lõi ngoài và lõi trong cũng có sự thay đổi rõ nét về mật độ, hay là lõi bên trong có mật độ không đồng nhất, một bán cầu của lõi trong có cấu trúc dày đặc hơn bán cầu kia.
Những đặc điểm này chính là một trong những nguyên nhân khiến lõi ngoài bị khuấy động và quay đảo, từ đó tạo ra từ trường của Trái Đất.
Mặc dù vậy, còn rất nhiều điều xảy ra trong vùng lõi mà chúng ta chưa biết được. Khi thiết bị và công nghệ được cải tiến, các nhà khoa học sẽ có công cụ tốt hơn để tiếp tục nghiên cứu những tác động kỳ lạ của hoạt động lõi bí ẩn gây ra đối với thế giới bên trên bề mặt mà chúng ta đang sinh sống hàng ngày.
Theo ScienceAlert