1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện loài động vật mới có 414 chân

(Dân trí) - Con vật nhiều chân này đến từ 1 hang đá cẩm thạch tên là Hang Lange ở Vườn quốc gia Sequoia. Loài động vật chân đốt này có 414 chân và 4 “dương vật”, theo thời gian tiến hóa, các chân đã được chuyển đổi thành những cấu trúc truyền tinh trùng.


1 loài động vật đa túc (Illacme tobini) có khoảng 414 chân và 4 “dương vật” đã được phát hiện trong 1 hang động ở Vườn quốc gia Sequoia, California, Mỹ (Ảnh: Paul Marel)

1 loài động vật đa túc (Illacme tobini) có khoảng 414 chân và 4 “dương vật” đã được phát hiện trong 1 hang động ở Vườn quốc gia Sequoia, California, Mỹ (Ảnh: Paul Marel)

Hiện các nhà nghiên cứu mới phát hiện được 1 cá thể duy nhất của loài này, đó là 1 con đực, vì vậy họ chưa biết con cái sẽ trông như thế nào.

Các nhà nghiên cứu đã phát động 1 cuộc điều tra lớn kéo dài từ 2002 đến 2004 trong hang động này và ở Vườn quốc gia Kings Canyon lân cận, cùng với 1 số cuộc điều tra nhỏ trong khoảng thời gian từ 2006 – 2009. Trong 1 chuyến du ngoạn vào tháng 10/2006, nhà nghiên cứu về sinh vật học hang động - Jean Krejca đã phát hiện ra 1 loài đa túc mảnh dẻ có chiều dài khoảng 20mm. Krejca đã gửi mẫu cho các chuyên gia về động vật đa túc là Paul Marek tại viện Công nghệ Virginia và William Shear công tác tại trường Hampden – Sydney ở Virginia để phân tích.


Cặp chân thứ 9 và 10 của loài động vật nhiều chân Illacme tobini đóng vai trò như các “dương vật” để truyền tinh trùng sang con cái (Ảnh: Paul Marek)

Cặp chân thứ 9 và 10 của loài động vật nhiều chân Illacme tobini đóng vai trò như các “dương vật” để truyền tinh trùng sang con cái (Ảnh: Paul Marek)

Các nhà nghiên cứu đã ngay lập tức nhận ra thứ họ đang có trong tay: 1 loài mới thuộc chi Illacme. Trước đó, mới chỉ có 1 loài thuộc chi Illacme được phát hiện là Illacme Plenipes, đến từ hạt San Benito, California – cách Hang Lange khoảng 240km. Với số chân của mỗi cá thể lên tới 750 chiếc, I. plenipes là loài động vật nhiều chân nhất trên hành tinh.

Marek cho biết ông chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có 1 loài động vật nhiều chân thứ 2 được phát hiện ở khu vực chỉ cách nơi phát hiện loài đầu tiên khoảng 240km.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài mới này là Illacme tobini, theo tên của Ben Tobin – 1 chuyên gia về hang động ở Vườn quốc gia Grand Canyon và cũng là người đã tổ chức cuộc điều tra phát hiện ra loài mới này,

Sau phát hiện này, các nhà khoa học đã dành vài năm để tìm kiếm thêm nhiều mẫu của loài mới này, họ kiểm tra xung quanh khu vực hang Lange và 63 điểm khác ở dưới chân núi Sierra Nevada. Họ đã lật tung lớp lá, gỗ và đá nhưng không tìm được gì.

Kết quả là, loài sinh vật mới này chỉ được biết đến qua cá thể đực duy nhất được tìm thấy ở Hang Lange – một hang động đá cẩm thạch nằm trong khu rừng ở chân núi Yucca. Các nhà nghiên cứu đã công bố trên tạp chí ZooKeys ngày 20/10 rằng loài động vật nhiều chân không có mắt này có thể ăn các loại nấm. Cặp chân thứ 9 và 10 đã chuyển hóa thành dương vật, hay còn được gọi là chân giao cấu. Những chiếc chân đặc biệt này được bảo vệ bởi các gai và những chỗ nhô ra trông giống như chiếc xẻng.


Mặt dưới của Illacme tobini với các chân của nó (Ảnh: Paul Marek)

Mặt dưới của Illacme tobini với các chân của nó (Ảnh: Paul Marek)

Bên cạnh đặc điểm có quá nhiều chân và các cấu trúc giống như dương vật, trên cơ thể loài động vật nhiều chân này còn đuợc bao phủ bởi lông tơ dài và có 200 lỗ chân lông tiết ra 1 số chất chưa xác định – có lẽ là 1 loại phương thức phòng vệ bằng hóa chất để chống lại kẻ thù. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu có phải I. tobini chỉ sống trong các hang động hay là có thể sẽ tìm thấy chúng ở những nơi ẩn náu tiêu chuẩn của các loài động vật nhiều chân khác, ví dụ như bên dưới các tảng đá.

I. plenipes được phát hiện năm 1928, làm cho I.tobini là loài Illacme thứ 2 được phát hiện sau 90 năm. Cả 2 loài này đều là thành viên của họ Siphonorhinidae – một họ bí ẩn với chỉ có 12 loài được biết đến. Illacme là đại diện duy nhất của Bắc Mỹ, các loài còn lại trong họ này đến từ Việt Nam, Nam Phi, Ấn Độ, Inđônêxia và Madagascar. Các chi trong họ này có thể đã đến được các địa điểm khác nhau bằng cách di chuyển trên khắp siêu lục địa Pangea cổ đại, và sau đó chúng bị chia cắt mãi mãi khi lục địa khổng lồ này bị tách ra 200 triệu năm trước.

Anh Thư (Tổng hợp)