Phát hiện loài ăn thịt khổng lồ trước khi khủng long bạo chúa xuất hiện

Trang Phạm

(Dân trí) - Khoảng 90 triệu năm trước, trước khi khủng long bạo chúa xuất hiện, Trái đất có những kẻ săn mồi khổng lồ ở đỉnh của chuỗi thức ăn. Chúng sống ở nơi bây giờ là Uzbekistan.

Phát hiện loài ăn thịt khổng lồ trước khi khủng long bạo chúa xuất hiện - 1

Hình ảnh minh họa loài khủng long khổng lồ carcharodontosaur khổng lồ với loài khủng long bạo chúa Timurlengia nhỏ hơn.

Hóa thạch của con vật cho thấy nó dài khoảng 8 mét, nặng 1.000 kg, dài hơn một con voi châu Phi và nặng hơn một con bò rừng.

Các nhà nghiên cứu đặt tên cho sinh vật này là Ulughbegsaurus uzbekistanensis, theo tên của Ulugh Beg, một nhà thiên văn học, toán học ở thế kỷ XV đến từ Uzbekistan ngày nay.

Điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là con khủng long này lớn hơn nhiều, chiều dài gấp đôi và nặng hơn gấp 5 lần, so với khủng long bạo chúa- kẻ săn mồi trên đỉnh được biết đến trước đây trong hệ sinh thái.

Phần xương hàm được tìm thấy ở sa mạc Kyzylkum của Uzbekistan vào những năm 1980 và các nhà nghiên cứu đã phát hiện lại nó vào năm 2019 trong một bộ sưu tập của bảo tàng Uzbekistan.

Một phần xương hàm của U. uzbekistanensis đủ để gợi ý rằng con vật này là carcharodontosaur, hay khủng long "răng cá mập". Những loài ăn thịt này là anh em họ và là đối thủ cạnh tranh của khủng long bạo chúa, nổi tiếng nhất là Tyrannosaurus rex.

Đồng nghiên cứu Darla Zelenitsky, phó giáo sư về cổ sinh vật học tại Đại học Calgary, cho biết hai nhóm khủng long khá giống nhau, nhưng loài khủng long carcharodontosau thường mảnh mai và nhẹ nhàng hơn so với loài khủng long bạo chúa.

Mặc dù vậy, khủng long carcharodontosaurs có kích thước lớn hơn khủng long bạo chúa, đạt trọng lượng lớn hơn 6.000 kg. Sau đó, khoảng 90 triệu đến 80 triệu năm trước, chúng biến mất và khủng long bạo chúa phát triển về kích thước, trở thành kẻ săn mồi đỉnh cao ở châu Á và Bắc Mỹ.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, phát hiện mới là loài khủng long carcharodontosaur đầu tiên được phát hiện ở Trung Á.

Trước đó, các nhà cổ sinh vật học đã biết rằng khủng long bạo chúa Timurlengia sống ở cùng một thời điểm và địa điểm, nhưng với chiều dài 4 m, nặng 170 kg. Timurlengia nhỏ hơn U. uzbekistanensis vài lần.

Phát hiện loài ăn thịt khổng lồ trước khi khủng long bạo chúa xuất hiện - 2

Tái tạo hàm trên và răng của Ulughbegsaurus.

Trưởng nhóm nghiên cứu Kohei Tanaka, phó giáo sư tại Trường Đại học Khoa học Môi trường và Đời sống tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, cho rằng: "Khám phá mới chỉ ra các loài thú ăn thịt vẫn là động vật ăn thịt thống trị ở châu Á cách đây 90 triệu năm".

Peter Makovicky, giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Minnesota, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng ý rằng U. uzbekistanensis có khả năng đứng đầu chuỗi thức ăn trong khu vực. Makovicky nói: "Tôi nghĩ chiếc xương này lớn đến mức có thể là một loài khủng long săn mồi rất lớn và rất có thể là động vật ăn thịt đứng ở đỉnh trong hệ sinh thái của nó".

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng U. uzbekistanensis có những cục xương độc đáo phía trên răng. Tuy nhiên, nó có những đường gờ xương ở hai bên hàm tương tự như loài khủng long bạo chúa 79,5 triệu năm tuổi Thanatotheristes degrootorum (tên có nghĩa là "thần chết") từ Canada.

Không rõ tại sao cả hai loài đều có những đường gờ này, nhưng có lẽ đó là một trường hợp tiến hóa hội tụ, khi các loài không có quan hệ họ hàng gần lại tiến hóa để có những đặc điểm giống nhau.