Phát hiện hóa thạch khủng long cực hiếm ở Úc
(Dân trí) - Xương hóa thạch 110 triệu năm tuổi thuộc về một con khủng long "kỳ quái" được gọi là elaphrosaur đã được phát hiện tại một địa điểm ở Victoria, Úc, cho thấy nó sống gần khu vực Nam Cực.
Đây là bằng chứng đầu tiên về một loài elaphrosaur được báo cáo phát hiện ở Úc và mới chỉ là hóa thạch thứ hai từng được phát hiện từ thời kỳ Kỷ Phấn trắng trên toàn thế giới.
Các tác giả của nghiên cứu cũng cho biết vị trí của khám phá ra hóa thạch nằm gần Mũi Otway ở Victoria cho thấy elaphrosaur tồn tại ở phần này của thế giới cho đến khoảng thời gian ít nhất là Kỷ Phấn trắng sớm, khoảng 110 đến 107 triệu năm trước.
Nó cũng cho thấy khủng long đã có thể sống sót trong điều kiện giống như các cực của Trái đất ngày nay, mặc dù các cực có khí hậu ôn hòa hơn nhiều so với thời hiện đại. Vùng đất này gần với cực Nam của Trái đất hơn 110 triệu năm trước. Theo các tác giả của nghiên cứu, nó sẽ nằm cách mặt phẳng xích đạo của Trái đất 76 độ về phía nam, nơi là các phần của Nam Cực nằm ngày nay.
"Elaphrosaur được mô tả có cổ dài và cơ thể tương đối nhẹ, dài khoảng 2m. Khi di chuyển chúng khá kỳ quái”, tiến sĩ, nhà nghiên cứu Stephen Poropat cho biết.
Elaphrosaur có nghĩa là thằn lằn chân nhẹ - một nhóm các loài liên quan đến khủng long bạo chúa, Velociraptor và các loài chim hiện đại.
Theo các tác giả của nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến có rất ít hóa thạch của loài này được phát hiện trên thế giới là bởi chúng thường được xác định nhầm là các loài khủng long khác.
"Các elaphrosaur nhỏ có thể đã săn các loài tổ tiên của thú mỏ vịt và thú lông nhím sống ở vùng cực Victoria, cùng với việc bắt côn trùng và ăn trái cây", Tim Ziegler, Giám đốc bộ sưu tập Động vật có xương sống tại Viện bảo tàng Victoria, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.
Trang Phạm
Theo News Week