Phát hiện hóa thạch bọ cạp biển khổng lồ ở Trung Quốc
Đã từng có một con bọ cạp biển dài 1 mét rình mò dưới vùng biển mà ngày nay là Trung Quốc khoảng 435 triệu năm trước, sử dụng những cánh tay khổng lồ đầy gai của nó để săn mồi.
Các nhà khảo cổ học gần đây đã khai quật thành công hóa thạch con bọ cạp này (tên khoa học là Terropterus xiushanensis, một loài eurypterid) - một loài chân đốt cổ đại có quan hệ gần gũi với loài nhện hiện đại và cua móng ngựa, theo các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Science Bulletin.
Các chi có gai của nó "có lẽ từng được sử dụng để bắt mồi và ta có thể thấy sự giống nhau với loài nhện roi (bọ cạp roi) qua kết cấu 'giỏ bắt' được hình thành bởi các móng gai", theo đồng tác giả nghiên cứu Bo Wang từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh.
Loài sinh vật đáng sợ này sống trong kỷ Silur, khoảng 443,8 triệu đến 419,2 triệu năm trước. Ở thời điểm đó, bọ cạp biển là sinh vật đứng đầu của chuỗi thức ăn trong bãi săn dưới nước của chúng, vồ những con cá và động vật thân mềm không cảnh giác bằng hai cánh tay dài đầy gai và xúc chúng vào miệng.
Loài eurypterids có nhiều kích cỡ, nhỏ nhất to bằng bàn tay người và lớn nhất có thể ngang với kích cỡ người trưởng thành, theo Live Science đã từng đưa tin. Các nhà nghiên cứu cho biết, loài mới được phát hiện - T. xiushanensis, là loài đầu tiên thuộc họ Mixopteriade được phát hiện sau 80 năm qua.
"Kiến thức của chúng tôi về những loài sinh vật kỳ lạ này chỉ giới hạn ở bốn loài trong hai chi được mô tả cách đây 80 năm: Mixopterus kiaeri từ Na Uy, Mixopterus multispinosus từ New York, Mixopterus simonsoni từ Estonia và Lanarkopterus dolichoschelus từ Scotland", theo Wang và các đồng nghiệp viết trong nghiên cứu.