1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện hố xanh sâu nhất thế giới, đánh bại Hố Rồng ở Biển Đông

Nam Đoàn

(Dân trí) - Hố xanh (cenote) sâu thứ hai thế giới Taam Ja' nằm ở vịnh Chetumal ở Mexico, vừa giành lại vị trí đầu tiên trên bục vinh quang.

Phát hiện hố xanh sâu nhất thế giới, đánh bại Hố Rồng ở Biển Đông - 1

Các phép đo mới tiết lộ, hố xanh Taam Ja' thực sự sâu hơn nhiều so với tưởng tượng (Ảnh: USGS).

Taam Ja' được các nhà khoa học phát hiện vào năm 2021 và xếp vào loại hố xanh sâu thứ hai trên thế giới. Độ sâu của vực sâu dưới nước này nằm ở Vịnh Chetumal ở Mexico trên thực tế được ước tính là 274 mét.

Hố sâu hơn 420 mét dưới đáy nước

Sau một sứ mệnh thăm dò mới, việc phân loại này cần phải được xem xét lại. Vào tháng 12/2023, một đoàn thám hiểm hải dương học đã tiến hành thăm dò vào trung tâm Taam Ja' với mục đích đo lường sự tiến hóa của các thông số vật lý khác nhau như nhiệt độ, áp lực và độ dẫn nhiệt điện.

Nhóm nghiên cứu thực hiện các phép đo bằng máy đo độ dẫn, nhiệt độ và độ sâu (CTD). Đây là một thiết bị có bộ đầu dò đọc và truyền các đặc tính của nước lên bề mặt theo thời gian thực thông qua hệ thống cáp kết nối với tàu hải dương học. 

Tuy nhiên, khi tàu thăm dò đạt tới mức âm 274 mét dưới bề mặt, các nhà khoa học nhanh chóng nhận ra rằng họ vẫn còn cách xa đáy.

Sau đó, họ tiếp tục hạ thiết bị đo xuống độ sâu 420 mét. Và một lần nữa, tàu thăm dò bị giới hạn bởi độ sâu hoạt động của chính nó chứ không phải vì nó đã chạm tới đáy.

Trên thực tế, Taam Ja' hiện chắc chắn là hố xanh sâu nhất thế giới (cho đến nay), với độ sâu tối đa chưa được biết đến.

Hệ thống đường hầm 

Trong bài báo đăng trên tạp chí Frontiers in Marine Science, các nhà nghiên cứu giải thích rằng, độ sâu ban đầu của hố xanh Taam Ja' được ước tính bằng cách sử dụng máy đo tiếng vang - một kỹ thuật đo lường sử dụng tốc độ sóng phản xạ để tính khoảng cách từ đáy.

Song đây là kỹ thuật không phù hợp trong trường hợp trên, vì nó quá nhạy cảm với biến động mạnh về mật độ nước mà họ quan sát được trong môi trường này.

Dữ liệu thu được trong quá trình khám phá mới đây còn cho thấy rằng, Taam Ja' được kết nối với đại dương qua hệ thống đường hầm.

Trên thực thế, các cenote (hố tự nhiên) thuộc loại này thường có điều kiện nhiệt độ và độ mặn rất khác biệt với phần còn lại của môi trường đại dương, do sự cô lập của nó.

Tuy nhiên, ở độ sâu hơn 400 mét của Taam Ja', các nhà khoa học lưu ý rằng, điều kiện môi trường của nó phù hợp điều kiện của đại dương, cho thấy có mối liên hệ với miền đại dương mở.

Sự sống có tồn tại?

Những hố xanh dưới nước thường nằm trên cao nguyên đá vôi, những vùng nông tiếp giáp với nhiều bờ biển, nhờ tác động của nước đã tạo ra các cấu trúc kỳ lạ này, giống như những vực sâu trên cạn.

Hầu hết các hố xanh được hình thành trong kỷ băng hà cuối cùng, trong khi những cao nguyên đá vôi này vẫn đang hình thành.

Dần dần, nước ăn mòn lớp đá mềm, tạo thành mạng lưới núi đá vôi và các vực sâu. Mực nước biển dâng cao sau khi băng tan cách đây 11.000 năm đã nhấn chìm các hố này.

Những hố xanh sẽ tiết lộ thành phần hóa học độc đáo của nước biển, đây là kết quả của điều kiện hạn chế từ môi trường của nó, vốn được che chắn khỏi tác động của sóng, trộn lẫn các lớp nước khác nhau.

Sự thiếu vắng của ánh sáng cũng dẫn đến sự không tồn tại của các sinh vật quang hợp. Vì vậy, theo độ sâu, nhiệt độ giảm xuống và độ mặn tăng lên, trong khi nồng độ oxy giảm mạnh.

Tuy nhiên, các bức tường của hố xanh này có rất nhiều khuẩn lạc thích nghi với môi trường đặc biệt này.

Do đó, hố xanh chứng tỏ là nơi tuyệt vời để nghiên cứu sự phát triển của sự sống trong điều kiện khắc nghiệt. Từ đó các nhà khoa học phần nào có cơ sở để nghiên cứu sự sống trên các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.