Phát hiện hành tinh nóng nhất dải Ngân Hà

(Dân trí) - NASA mới đây cho biết họ đã phát hiện một hành tinh mới mang tên KELT-9b có nhiệt độ bề mặt lên tới 4.300°C. Đây hành tinh nóng nhất trong dải Ngân Hà từng được phát hiện từ trước tới nay.

Phát hiện hành tinh nóng nhất dải Ngân Hà - 1

Các nhà thiên văn học của NASA cho biết, nhiệt độ bề mặt của KELT-9b lên tới 4.300°C (7.800°F), nóng hơn bất kỳ hành tinh nào trong Dải Ngân hà từng được con người phát hiện. Nhiệt độ của hành tinh này chỉ thấp hơn nhiệt độ của Mặt Trời, một hằng tinh, khoảng 1.200°C (2.200°F).

KELT-9b có kích thước lớn gần gấp 3 lần sao Mộc và chỉ mất một ngày rưỡi giờ Trái đất để quay quanh ngôi sao mẹ KELT-9, một hằng tinh có kích thước lớn gấp 2,5 lần Mặt Trời của chúng ta.

Quả cầu khí khổng lồ này có quỹ đạo vô cùng chặt chẽ đến mức một phần của nó luôn hướng mặt về ngôi sao mẹ, cũng giống như phần sáng của Mặt trăng luôn hướng về Trái đất.

Nhiệt độ vô cùng cao làm cho KELT-9b trở thành một nơi vô cùng khắc nghiệt. Các phân tử như nước và CO2 không thể tồn tại trong bầu khí quyển của nó, các nhà nghiên cứu cho biết.

Scott Gaudi – Giáo sư thiên văn học của Đại học Bang Ohio, trưởng nhóm dự án nghiên cứu KELT-9b, cho biết: “Với sức nóng như thế, bầu khí quyển của KELT-9b chắc chắn khác hoàn toàn so với bất kỳ hành tinh nào khác mà chúng ta từng biết”.

"KELT-9 có bức xạ cực tím mạnh đến mức có thể làm bốc hơi cả hành tinh. Hoặc, nếu các hành tinh khí khổng lồ như KELT-9b có lõi là các tảng đá rắn như một số lý thuyết cho biết thì giống như sao Thổ, hành tinh này có thể cũng chỉ là một tảng đá cằn cỗi”.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hệ thống kinh viễn vọng được gọi là Kilodegree Extremely Little Telescope (KELT) tại đài thiên văn Winer ở vùng đông nam Arizona, lúc khám phá ra KELT-9b. Nên ngoại hành tinh trên cũng được đặt theo tên loại kính này.

Để nghiên cứu chi tiết hơn, các nhà thiên văn học cũng lên kế hoạch quan sát KELT-9b bằng các thiết bị khác như kính viễn vọng Hubble, Spitzer của NASA và kính thiên văn James Webb trị giá đến 8,9 tỷ USD.

Keivan Stassun - Giáo sư vật lý và thiên văn học thuộc Đại học Vanderbilt, đồng trưởng nhóm dự án cho biết: “Không những chỉ tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của các hành tinh, mà chúng ta còn phải nghiên cứu lúc nào và dưới những điều kiện gì chúng sẽ bị phá hủy”.

Đoàn Dương (Theo NBC News)