1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện dấu tích của nền văn minh Maya cổ đại ở Guatemala

Phạm Hường

(Dân trí) - Bằng phương pháp quét laser LIDAR từ không trung, các nhà khoa học vừa khám phá ra gần 1.000 khu định cư của người Maya cổ đại đã bị chôn vùi ở phía Bắc Guatemala.

Phát hiện dấu tích của nền văn minh Maya cổ đại ở Guatemala - 1

Một trong những quần thể hình kim tự tháp được tìm thấy bằng phương pháp quét LIDAR. (Ảnh: Martínez et al., Ancient Mesoamerica, 2022).

Khu định cư này gồm các tòa nhà và các công trình khác trải dài trên khoảng 1.683 km2 ở vùng được gọi là lưu vực đá vôi Mirador-Calakmul và lan sang một số khu vực lân cận. Người Maya xưa kia đã từng sinh sống ở đây trong khoảng thời gian từ năm 1.000 đến năm 250 trước Công nguyên.

Các nhà nghiên cứu ở các tổ chức của Mỹ, Guatemala và Pháp cho rằng mật độ dân cư ở đây khá dày đặc. Đây chính là bằng chứng bổ sung cho nhận định về cách thức cư trú của người dân vùng Trung Bộ châu Mỹ xưa kia.

Cuộc khảo sát lần này đã phát hiện ra rất nhiều điều mới mẻ: các tòa nhà bao gồm nhà ở, sân thể thao và các trung tâm tôn giáo, nghi lễ và sinh hoạt thường ngày cùng với mạng lưới đường đắp cao và kênh đào lớn nối các công trình với nhau. Các cấu trúc xây dựng còn thể hiện mối quan hệ về chính trị, xã hội, địa lý với các khu định cư khác gần đó, tạo nên một quần thể hợp nhất 417 thành phố, thị trấn và làng cổ có ranh giới phân định rõ ràng. Nó còn cho thấy đây là một vùng của một vương quốc, ở đó một hệ tư tưởng chính trị bao trùm và xuyên suốt ở nhiều địa điểm khảo cổ khác mới được phát hiện gần đây.

Theo các nhà nghiên cứu, các công trình ở đây được xây dựng dựa trên nền kiến thức và kỹ năng tiến bộ. Chắc chắn người dân ở đây phải có các lò vôi do các nhà sản xuất lớn làm chủ, kết hợp với chuyên môn của các kỹ thuật viên về khai thác đá và trộn vữa, ốp đá để hiện thực hóa các thiết kế của các kiến trúc sư. Để xây dựng được từng đó công trình, chắc chắn không thể thiếu sự quản lý của các viên chức thực thi pháp luật và chức sắc tôn giáo. Báo cáo nghiên cứu có viết "quy mô nhân công xây dựng các kết cấu cơ bản, các cung điện, đập nước, đường đắp cao và các kim tự tháp đồ sộ có niên đại từ thời kỳ trung và hậu Tiền cổ điển ở khắp vùng lưu vực đá vôi Mirador-Calakmul cho thấy một sức mạnh tổng hợp để tổ chức hàng nghìn công nhân và chuyên gia."

Một bằng chứng của sự tiến bộ trong quy hoạch và xây dựng ở đây chính là hệ thống thoát nước và điều phối nước thông minh, nhờ đó nước được lưu chuyển dễ dàng trong các khu định cư vào những thời điểm hạn hán hoặc lũ lụt. Đây là lĩnh vực mà người Maya cổ đại là các chuyên gia.

Các nhà nghiên cứu đánh giá rằng sự phát triển của các công trình hạ tầng nơi đây cho thấy đây là một xã hội tiến bộ, một tổ chức kinh tế -xã hội với các cấp độ chặt chẽ và quyền lực chính trị mạnh mẽ ở các thời kỳ trung và hậu Tiền cổ điển.

Hệ thống khảo sát bằng phương pháp quét ánh sáng từ trên không LIDAR vô cùng hữu ích vì nhờ đó các nhà khoa học có thể quan sát dễ dàng bên dưới tán rừng và sâu dưới mặt đất. Những năm gần đây, phương pháp này còn được các nhà khoa học sử dụng ở các điểm khảo cổ ở Campuchia và Amazon.

Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Trung Bộ châu Mỹ cổ đại.