Phát hiện dấu tích của lục địa cổ đại ở Nam Cực
(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa qua đã phát hiện ra những tàn dư của một "lục địa cổ đại" nằm dưới lớp băng dày ở Nam Cực bằng vệ tinh viễn thám.
Ẩn sâu bên dưới dải băng của Nam Cực, các nhà khoa học đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện những bằng chứng cho thấy có sự tồn tại của lục địa bị mất từ lâu. Đó không phải là thành phố huyền thoại Atlantis nhưng đây là một phát hiện có tính lịch sử rất quan trọng để mở thêm ra những bí ẩn của Nam Cực.
Để phát hiện ra các lục địa cổ đại bí ẩn ở Nam Cực, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để lập bản đồ trọng lực (giống như cách lập bản đồ đáy biển) nhằm thu thập các đặc điểm địa chất quan trọng cổ đại trên khu vực thạch quyển Trái đất.
"Những hình ảnh mới phát hiện giúp ta có cơ sở cho những nghiên cứu về lục địa ít được hiểu nhất trên Trái Đất, Nam Cực", Fausto Ferraccioli, nhà khoa học địa chất và địa vật lý đứng đầu chương trình Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết.
Phần lớn dữ liệu các nhà khoa học kết hợp từ dữ liệu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và vệ tinh thám hiểm đại dương bay quanh Trái Đất (GOCE) từ năm 2009 đến năm 2013 với nhiệm vụ đo lường lực hấp dẫn của trường hấp dẫn Trái Đất.
"Ở phía Đông Nam Cực, chúng ta thấy một bức tranh thú vị về các đặc điểm địa chất cho thấy sự tương đồng và khác biệt cơ bản giữa lớp vỏ bên dưới Nam Cực và các lục địa khác khoảng 160 triệu năm trước," nhà khoa học Ferraccioli lưu ý.
Với những dữ liệu thu được nó cũng tiết lộ những bí mật vì sao Nam Cực lại có lớp vỏ mỏng hơn so với Đông Nam Cực, tạo thành từ những vùng đá ổn định cổ xưa của vỏ Trái Đất.
Khôi Nguyên (Theo Iflscience)