Ong bắp cày sát thủ "xâm nhập" nước Mỹ khiến nhiều người dân ớn lạnh
Loài "ong bắp cày sát thủ" đã được phát hiện lần đầu tiên ở bang Washington, Mỹ trong năm nay, và loài côn trùng trông giống người ngoài hành tinh đã tấn công một tổ ong bắp cày giấy.
Những con ong bắp cày khổng lồ châu Á trưởng thành có thể được phân biệt với các loài ong bắp cày khác nhờ "má" to (có chức năng giữ cơ để cắn hung bạo), đôi mắt hình giọt nước và cấu trúc hình vỏ sò phía trên hàm dưới ở giữa hai mắt.
Sven Spichiger, nhà côn trùng học quản lý Bộ Nông nghiệp bang Washington (WSDA), cho biết: "Loài ong bắp cày này đang thể hiện hành vi giống như chúng ta đã thấy năm ngoái - tấn công các tổ ong bắp cày giấy. Nếu bạn có tổ ong bắp cày trong nhà và sống trong khu vực, hãy theo dõi chúng và báo cáo bất kỳ con ong bắp cày khổng lồ châu Á nào mà bạn nhìn thấy. Lưu ý cả hướng bay của chúng."
"Ong bắp cày sát thủ" là những tên sát thủ khôn ngoan. Khi tìm thấy tổ ong mật, chúng bước vào "giai đoạn tàn sát", nơi chúng sử dụng những chiếc răng hàm lớn của mình để giết và chặt đầu hàng nghìn con ong. Chỉ cần vài con đã có thể tiêu diệt toàn bộ tổ ong hàng chục ngàn con trong ít giờ.
WSDA cho biết, loài ong bắp cày khổng lồ cũng có thể tiêm cho con mồi một lượng nọc độc khá lớn để gây ra một vết đốt đau đớn. Lượng nọc độc được tiêm vào một vết đốt có thể giết chết đối thủ, mặc dù những trường hợp tử vong như vậy là rất hiếm.
Với lần nhìn thấy đầu tiên vào năm 2021 này, WSDA sẽ thiết lập các bẫy trực tiếp trong khu vực. Các nhà côn trùng học sau đó sẽ gắn thẻ ong bắp cày bị mắc kẹt để họ có thể theo dõi cá thể trở về tổ của nó. Vụ việc này xảy ra chỉ cách biên giới Mỹ-Canada 0,8 km, các quan chức ở đó cũng sẽ thiết lập thêm các bẫy.
Vào mùa thu năm ngoái, WSDA đã sử dụng chiến lược tương tự để theo dõi những con ong bắp cày khổng lồ này. Khi một tổ nằm trong phần rỗng của một cái cây, các thành viên của WSDA phải mặc đồ bảo hộ và đeo khiên để đến đủ gần tổ để tiêu diệt.
Họ đổ đầy bọt vào chiếc tổ có kích thước bằng quả bóng rổ và sau đó hút 100 đến 200 con ong bắp cày vào trong ống đựng chân không. Để tiêu diệt những con côn trùng còn sót lại, WSDA đã bọc cái cây nơi có tổ bằng nhựa và đổ đầy carbon dioxide vào.
Có nguồn gốc từ Nam và Đông Á, "ong bắp cày sát thủ" được coi là loài xâm lấn, chứ không phải là loài bản địa. Chúng có thể tàn phá một hệ sinh thái bằng cách tiêu diệt các quần thể ong mật.
Ong bắp cày sát thủ là loài ong bắp cày lớn nhất thế giới, có thể tiêu diệt toàn bộ tổ ong mật trong vài giờ và gây ra những vết đốt rất đau trên cơ thể người. Tại châu Á, khoảng vài chục người tử vong mỗi năm do bị ong bắp cày đốt.
Con số này tại Mỹ là khoảng 60. Các nhà khoa học Mỹ từng lên kế hoạch diệt trừ ong bắp cày sát thủ để bảo vệ ong mật, bởi nông dân ở nhiều nơi, nhất là phía Tây Bắc, phụ thuộc chặt chẽ vào ong mật để thụ phấn cho cây mâm xôi và việt quất.