Ô nhiễm không khí khiến 500.000 trẻ sơ sinh tử vong

Trang Phạm

(Dân trí) - Nghiên cứu mới nhất cho biết ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ sơ sinh trong tháng đầu đời và là nguyên nhân giết chết gần nửa triệu trẻ sơ sinh vào năm 2019.

Ô nhiễm không khí khiến 500.000 trẻ sơ sinh tử vong - 1
Một phụ nữ đeo khẩu trang khi đi dạo ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trong bối cảnh ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Cụ thể có 476.000 trẻ sơ sinh đã chết năm ngoái do ô nhiễm, hầu hết các em bé xấu số đều sống ở các quốc gia kém phát triển.

"Ô nhiễm không khí có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân và sinh non", báo cáo nêu rõ. "Trẻ sinh ra quá nhỏ hoặc quá sớm dễ mắc các vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy, viêm não, rối loạn đông máu máu và vàng da”.

Phân tích cho biết khoảng 2/3 số ca tử vong vào 2019 là do ô nhiễm trong nhà như đốt than, gỗ và phân động vật để nấu ăn. Hơn 90% dân số toàn cầu đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí dạng hạt mịn vượt quá chỉ số an toàn.

“Năm 2019, ô nhiễm không khí đã tăng từ yếu tố nguy cơ tử vong hàng đầu thế giới vượt quá tác động của các yếu tố nguy cơ được công nhận rộng rãi khác đối với các bệnh mãn tính như béo phì, cholesterol cao và suy dinh dưỡng”, báo cáo cho biết.

Đánh giá còn chỉ ra các nguyên nhân duy nhất dẫn đến tử vong sớm được xếp hạng cao hơn ô nhiễm là huyết áp cao, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống kém.

Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tiếp tục xây dựng một lượng lớn bằng chứng về những nguy cơ mà việc hít thở không khí kém chất lượng gây ra cho sức khỏe con người và môi trường của chúng ta.

Bất chấp tất cả những gì đã biết về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, những phát hiện vào năm 2019 cho thấy rất ít hoặc không có tiến bộ nào đã đạt được ở nhiều nơi trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các lệnh hạn chế đi lại được áp đặt sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm nay đã dẫn đến sự cải thiện nhanh chóng chất lượng không khí toàn cầu.

Khi các hạn chế được dỡ bỏ, lượng khí thải đã tăng lên nhanh chóng xóa bỏ mọi lợi ích về chất lượng không khí. Vì những gánh nặng sức khỏe đáng kể nhất của ô nhiễm không khí phát sinh do tiếp xúc lâu dài, mãn tính, Covid-19 chỉ là một quãng thời gian nghỉ ngơi tạm thời khỏi ô nhiễm không khí.

Cư dân ở Ấn Độ là nơi phải đối mặt với ô nhiễm không khí nhiều nhất, tiếp theo là ở Nepal, Nigeria, Qatar. Châu Á, châu Phi và Trung Đông đã bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí.