Nọc độc nhện có thể sớm được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương
(Dân trí) - Một loài nhện ở Brazil có vết cắn nguy hiểm có thể có tác dụng phụ đặc biệt. Nó gây ra hội chứng cương cứng dài bất thường.
Với tác dụng kì lạ này, nọc độc của loài nhện được các nhà khoa học thực sự quan tâm.
Trong một bài báo mới được công bố trên Tạp chí Y học liên quan đến tình dục, các nhà khoa học đã nêu chi tiết về tác dụng của hoạt chất trong nọc độc, được gọi là PnPP-19.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hợp chất này đã thành công trong việc tạo ra sự cương cứng ở chuột mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào.
Nọc độc trước đây đã được chứng minh là có tác dụng ở những con chuột bị tổn thương dây thần kinh, tạo điều kiện thuận lợi cho cả dương vật bình thường và dương vật cương cứng.
Các nhà nghiên cứu xác định rằng nọc độc gây ra sự “thư giãn” của các mô giống như bọt biển trong các cơ quan sinh dục nam giới, dẫn đến sự gia tăng lưu lượng máu gây ra sự cương cứng.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy thuốc tổng hợp có thể được sử dụng thành công và an toàn bằng cách tiêm hoặc qua gel bôi, mặc dù gel có độ thấm thấp, chỉ với 10% liều áp dụng xuyên qua da.
Phát hiện chính là hợp chất này có vẻ an toàn trong các trường hợp tăng huyết áp và tiểu đường ở chuột và có thể được áp dụng tại chỗ. Trong khi đó, một thử nghiệm lâm sàng diễn ra vào năm ngoái đã tìm thấy một loại gel bôi ngoài tương tự vừa an toàn và hiệu quả ở bệnh nhân là người.
Thực tế, các nhà nghiên cứu đã biết về tác dụng của nọc độc của loài nhện này từ đầu những năm 2000. Loài nhện này được biết đến với cái tên Phoneutria nigriventer, một loài có sải chân dài tới 13-15 cm.
Chất độc thần kinh trong nọc độc gây mất kiểm soát cơ bắp. Nó có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, tê liệt và ngạt thở. Sự cương cứng gây ra bởi vết cắn là đau đớn, kéo dài nhiều giờ và có thể dẫn đến bất lực.
Nhưng mặc dù có khả năng biến chứng, hầu hết những người bị nhện cắn không gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
Những con nhện đặc biêt này có xu hướng được tìm thấy ở Brazil, Uruguay, Paraguay và Argentina. Chúng làm mồi cho côn trùng, ếch và thằn lằn. Có tám loài được biết đến thuộc chi Phoneutria.
Minh Long (Theo IFL Science)