Những phát minh tuyệt vời này sẽ không tồn tại nếu không có phụ nữ (Phần 1)
(Dân trí) - Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng, không ít các sản phẩm vốn thuộc lĩnh vực mà nam giới thường “thống trị”, lại là phát minh của phụ nữ, nổi bật nhất trong số đó chính là: chức năng hiển thị số gọi đến trên điện thoại, lối thoát hiểm cho nhà cao tầng hay chương trình máy tính.
Hiển thị số gọi đến có lẽ là một trong những tính năng “đột phá” nhất của điện thoại di động so với điện thoại bàn. Và ít ai ngờ rằng, người phát minh ra nó lại là một phụ nữ.
Cụ thể, vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhà vật lý lý thuyết Shirley Ann Jackson đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông thế giới, vốn còn đang khá non trẻ, bằng việc trình làng hai tính năng cực kỳ hữu ích là hiển thị số gọi đến và cuộc gọi chờ. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, phát minh gần 50 năm tuổi của Shirley Ann Jackson vẫn còn nguyên giá trị sử dụng.
Có một sự thật mà chắc hẳn bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ dễ dàng phỏng đoán được: người phát minh ra máy rửa chén bát là một phụ nữ.
Nhà phát minh được nhắc đến ở đây chính là Josephine Cochrane. Quay trở lại những năm cuối của thế kỷ 19, Josephine Cochrane cùng chồng thường xuyên tổ chức các bữa tiệc trong tư dinh. Khi nhận thấy các loại chén bát dùng dọn tiệc, vốn là đồ gốm sứ cổ của Trung Quốc rất đắt tiền, thỉnh thoảng lại bị vỡ do sự vụng về của người phục vụ.
Cùng với đó là sự đồng cảm với những người hầu gái phải vất vả rửa núi chén bát sau mỗi bữa tiệc, bà đi đến quyết định tự mình phát minh ra một chiếc máy rửa chén bát, để giải quyết hai vấn đề nan giải trên. Với sự giúp đỡ của một thợ máy có tên George Butters, Cochrane đã nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng của mình. Sản phẩm máy rửa chén của bà được cấp bằng sáng chế vào ngày 28 tháng 12 năm 1886. Không lâu sau đó, Josephine Cochrane đã tự mở một công ty sản xuất máy rửa chén bát của chính mình.
Nhà hóa học Stephanie Kwolek là người phụ nữ đã phát minh ra một trong những loại chất liệu nhân tạo tuyệt vời nhất, mà con người từng sở hữu- Kevlar- đây thực chất là nhãn hiệu đăng ký cho một loại sợi tổng hợp para-aramid, vào năm 1965. Được biết, Kevlar có khối lượng rất nhẹ nhưng lại cứng gấp 5 lần thép. Và nghe tên có vẻ xa lạ nhưng Kevlar lại xuất hiện khá phổ biến, điển hình như trong điện thoại di động, máy bay, cầu treo, áo chống đạn…
Lối thoát hiểm là một phát minh có ý nghĩa lớn cho nhân loại khác cũng thuộc về phụ nữ. Vào năm 1887, một nhà phát minh khá “kín tiếng” đến từ Philadelphia, Mỹ có tên là Anna Connelly đã công bố bản thiết kế về hệ thống cầu thang thoát hiểm, trong các đám cháy, dành cho nhà cao tầng.
Điểm ưu việt trong mẫu thiết kế này chính là nó giúp liên kết các công trình ở gần nhau thông qua cầu nối trên mái. Nhờ vậy, người gặp nạn có thể nhanh chóng di chuyến sang ngôi nhà không bị hỏa hoạn. Được biết, các mô hình lối thoát hiểm hiện đại sau này đều ít nhiều dựa trên nguyên bản của Anna Connelly.
Ada Lovelace được coi là nhà lập trình đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Vốn là một nhà toán học kiệt xuất, sau khi làm việc và tìm hiểu về “Analytical Engine”- một mẫu máy tính cơ khí của Charles Babbage, tại trường đại học Luân Đôn, Ada Lovelace đã tự phát triển cách “ra lệnh” cho cỗ máy này bằng các thuật toán. Nói theo một cách khác, bà chính là người phát minh ra “chương trình máy tính” đầu tiên trên thế giới.
Thảo Vy
Theo BS