Bình Định:

Những người tình nguyện làm "bà đỡ" cho rùa biển

Doãn Công- Ái Trinh

(Dân trí) - Chẳng lương thưởng, tất cả xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, những tình nguyện viên Tổ bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) trở thành những người "đỡ đẻ" và bảo vệ rùa.

Video: Xuân Sáng - Ái Trinh.

Thâu đêm canh… rùa đẻ

Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) có 2 bãi đẻ của rùa biển là bãi Hòn Khô và Hải Giang. Nhưng hiện nay, rùa còn đẻ ở bãi biển thôn Hải Đông của xã này.

Loài rùa biển thường lên các bãi biển xã Nhơn Hải đẻ trứng là rùa xanh (còn gọi là vích), còn ngư dân địa phương gọi là "đú". Khoảng từ đầu tháng 6 bắt đầu đến cuối tháng 10 là thời gian rùa thường lên bãi biển đẻ trứng.

Những người tình nguyện làm bà đỡ cho rùa biển - 1

Rùa biển lên bãi biển thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) đẻ trứng (Ảnh: Ái Trinh- Chi cục Thủy sản Bình Định).

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở bán đảo Nhơn Hải, tình nguyện viên bảo vệ rùa ở địa phương chia sẻ: rùa mẹ thường lên bãi đẻ vào ban đêm, bởi chúng chẳng ưa tiếng ồn, nhất là bị "làm phiền" bởi con người.

Sau khi khảo sát được vị trí làm tổ, rùa mẹ dùng 2 chân sau để đào ổ, mỗi ổ đẻ sâu khoảng 80 cm. Điều đặc biệt, rùa thường đào nhiều hố để "ngụy trang" tránh ổ trứng bị tấn công. Thời gian rùa đẻ trứng kéo dài 30 phút đến một tiếng, mỗi lần rùa đẻ từ 80-100 trứng. Khi đẻ xong, rùa mẹ hất cát lấp ổ giấu trứng xong mới trở về biển.

Những người tình nguyện làm bà đỡ cho rùa biển - 2

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở bán đảo Nhơn Hải - tình nguyện viên bảo vệ rùa ở địa phương (Ảnh: Xuân Sáng).

"Lúc rùa lên bờ đẻ trứng nếu gặp người, nhất là nhiều người dân thường dùng điện thoại quay phim, chụp hình thì rùa sẽ quay về biển. Chờ tới nửa đêm, có khi qua đêm hôm sau rùa mới lên lại để đẻ", anh Sáng cho hay.

Trứng rùa ấp trong lòng cát khoảng 50 - 65 ngày sẽ nở thành rùa con. Rùa con sau khi nở sẽ tự chui ra khỏi ổ và bò về biển.

"Do gần đây, các ổ trứng rùa đẻ thường nằm sát mép biển, nguy cơ bị trứng hư rất cao. Vậy nên, mỗi khi phát hiện rùa đẻ, các thành viên trong tổ phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định di chuyển trứng rùa đến khu vực an toàn để bảo vệ. Có hôm chúng tôi "đỡ đẻ" cho rùa đến 1h sáng mới trở về nhà", anh Sáng chia sẻ.

Những người tình nguyện làm bà đỡ cho rùa biển - 3

Chính quyền địa phương cắm biển báo bãi đẻ của rùa để bảo vệ (Ảnh: Xuân Sáng).

Anh Sáng cũng chia sẻ, điều thú vị ở loài rùa là khi sinh ra ở đâu thì sau đó chúng sẽ tìm lại đó để đẻ trứng. Chu kỳ rùa từ khi sinh đến lúc quay về đẻ trứng khoảng 30 - 35 năm. Song, sự trưởng thành của rùa chậm, tỷ lệ rùa sống sót thấp nên nguy cơ tuyệt chủng của chúng rất cao.

Ngoài ra, dù rùa biển không phải là đối tượng khai thác có chủ ý của ngư dân (theo tập quán ngư dân không ăn thịt rùa bởi sợ xui). Song, rùa biển thường bị mắc vào lưỡi câu nổi hoặc mắc vào lưới của ngư dân nên rùa cũng hay bị thương, có khi bị chết.

"Đã nhiều lần chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời giải cứu rùa bị thương do mắc lưới ngư dân", anh Sáng nói.

Cộng đồng chung tay bảo vệ rùa biển

Theo bà Nguyễn Thị Ái Trinh, chuyên viên Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Chi cục Thủy sản Bình Định, từ cuối tháng 6 đến nay đã có 4 lượt rùa lên bãi đẻ trứng với 384 quả trứng được Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải bảo vệ, di dời đến nơi an toàn.

Những người tình nguyện làm bà đỡ cho rùa biển - 4

Rùa được các tình nguyện viên cẩn thận di chuyển đến nơi an toàn (Ảnh: Xuân Sáng).

Lần rùa đẻ đầu tiên là một cá thể rùa biển thuộc loài Rùa Xanh, còn gọi là Vích (Chelonia mydas) - thuộc Nhóm "đang bị đe dọa" theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Phụ lục I của công ước CITES (cấm buôn bán vận chuyển quốc tế).

Cá thể rùa mẹ cân nặng khoảng 80 kg, dài 98 cm, được Tổ công tác của xã Nhơn Hải phát hiện vào lúc 21h ngày 29/6, trong lúc đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã.

Những người tình nguyện làm bà đỡ cho rùa biển - 5

Sau hơn 50 ngày ấp trong lòng cát, ổ trứng rùa nở ra những chú rùa con (Ảnh: Xuân Sáng).

Nhận được tin báo, Chi cục Thủy sản Bình Định đã liên hệ điều phối viên IUCN tại Việt Nam hỗ trợ hướng dẫn địa phương di dời ổ rùa đến nơi an toàn (vì ổ trứng rùa nằm gần sát mép nước dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường).

Đồng thời, yêu cầu chính quyền xã Nhơn Hải tuyên truyền đến bà con ngư dân không được đào phá ổ trứng rùa, cắm biển thông báo khu vực bãi đẻ rùa biển để bảo vệ an toàn bãi đẻ rùa biển trong mùa sinh sản.

"Ổ trứng đầu tiên rùa mẹ đẻ vào khoảng 21h ngày 29/6, nhưng gần một ngày sau mới được di dời. Song, tỉ lệ trứng nở đạt 54%, kết quả ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Công lớn nhờ Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải và sự hướng dẫn tận tình của các bên tham gia", bà Trinh chia sẻ.

Những người tình nguyện làm bà đỡ cho rùa biển - 6

Các tình nguyện viên Tổ bảo vệ rùa xã Nhơn Hải phối hợp với lực lượng Biên phòng tỉnh Bình Định đóng tại xã Nhơn Hải bảo vệ rùa lên bờ đẻ trứng (Ảnh: Xuân Sáng).

Theo chuyên gia Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên IUCN tại Việt Nam, trứng rùa sau khi được đẻ nếu di dời ngay trong vòng dưới 6 tiếng đồng hồ thì tỉ lệ trứng nở thành công sẽ cao. Bởi, sau thời gian này dây chằng cổ rùa đã được hình thành và dễ bị đứt khi xoay chuyển.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, từ năm 2008 đến 2016, đơn vị phối hợp với IUCN Việt Nam và các địa phương như: xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) thực hiện, duy trì hoạt động bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển dựa vào cộng đồng. Kết quả, có 9 ổ trứng đã nở với 300 con rùa con xuống biển an toàn tại 2 bãi Hòn Khô và Hải Giang. Đặc biệt, ngư dân chủ động báo tin, tham gia vận động thả, cứu hộ 17 con rùa bị mắc câu, bị thương trở về biển.

Từ năm 2016 đến nay, các hoạt động bảo vệ rùa biển vẫn tiếp tục được duy trì trong cộng đồng. Kết quả, ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 11 cá thể  rùa biển (8 cá thể vích và 3 đồi mồi) bị mắc lưới hoặc bị rao bán trên mạng để thả về biển. Bảo vệ được 6 ổ rùa biển với 283 con rùa con về biển an toàn, trong đó có 4 ổ trứng rùa tại Nhơn Hải trong năm 2021.