Những manh mối về người ngoài hành tinh năm 2021 làm bối rối giới khoa học

Minh Khôi

(Dân trí) - Năm 2021 mang đến cho những người yêu khoa học viễn tưởng và thợ săn UFO nhiều bằng chứng, nghiên cứu khoa học, và cả những sự thật để tiếp tục tin tưởng về sự tồn tại của người ngoài hành tinh.

UFO là có thật

Những manh mối về người ngoài hành tinh năm 2021 làm bối rối giới khoa học - 1

Nhân viên chính phủ Mỹ chụp ảnh một UFO lơ lửng trong 15 phút gần Trung tâm Phát triển Hàng không Holloman ở New Mexico, Mỹ, vào ngày 16/12/1957 (Ảnh: Getty Images).

Tháng 6, Lầu Năm Góc đã công bố một báo cáo được mong đợi, ghi lại tổng cộng 144 lần chạm mặt vật thể bay không xác định (UFO) từ năm 2004 đến năm 2021. Báo cáo nhằm đánh giá "mối đe dọa do các hiện tượng không xác định (UAP) gây ra" và chính thức xác nhận những lần con người nhìn thấy UFO - vốn trước đó chỉ được chia sẻ thông qua các phương tiện truyền thông. 

Bản đánh giá dài 9 trang xác nhận rằng "hầu hết các báo cáo về UAP có thể đại diện cho các vật thể vật chất", như chim, bóng bay, máy bay drone, cho tới các thiết bị giám sát và dự án tối mật của chính phủ Mỹ. 

Mặc dù báo cáo không thừa nhận bất kỳ cuộc gặp gỡ nào trong số đó có sự góp mặt của người ngoài hành tinh hay các vật thể siêu nhiên, nhưng những người tin vào giả thuyết này cho rằng đây chỉ là bước đầu của chính phủ Mỹ trong việc thừa nhận sự có mặt của một "thế lực thứ 3". 

Hố đen có thể liên quan tới người ngoài hành tinh

Những manh mối về người ngoài hành tinh năm 2021 làm bối rối giới khoa học - 2

Trong khi các nhà khoa học dành nhiều thời gian để tìm kiếm các hành tinh có thể sinh sống được ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta, một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 trên tạp chí Monthly Notices của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia cảnh báo rằng không nên bỏ qua vật thể kỳ lạ bậc nhất của tự nhiên: Lỗ đen. 

Các tác giả nghiên cứu cho biết, do lỗ đen có bức xạ năng lượng gấp 100.000 lần so với một ngôi sao như Mặt Trời, chúng có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các nền văn minh ngoài hành tinh. 

Để làm điều này, người ngoài hành tinh có thể sử dụng cấu trúc công nghệ cao gọi là quả cầu Dyson - có cấu trúc hút năng lượng được đề xuất lần đầu tiên vào những năm 1960, nhằm đánh cắp năng lượng từ những vật chất xoay quanh đường chân trời của lỗ đen, sau đó đưa bức xạ năng lượng đó ra bên ngoài không gian.

Môi trường sống khác với Trái Đất

Những manh mối về người ngoài hành tinh năm 2021 làm bối rối giới khoa học - 3

Những cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh thường bắt đầu bằng việc đặt trong "tầm ngắm" các hành tinh có cấu trúc giống với Trái Đất. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có thể có một môi trường ngoài hành tinh khác cũng có lợi cho sự sống.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Astrophysical hồi tháng 8 cho biết, hành tinh "Hycean", lớn gấp 2,5 lần Trái Đất và bao trùm bởi đại dương khổng lồ bên dưới bầu khí quyển giàu hydro, có thể là điểm lý tưởng cho sự sống. 

Thực tế cho thấy đã có nhiều các vi sinh vật phát triển mạnh trong một số môi trường khắc nghiệt nhất của Trái Đất (chẳng hạn như miệng phun thủy nhiệt). 

Các tác giả cho biết những hành tinh dạng này có khả năng tồn tại sự sống nhỏ bé bên dưới những con sóng. Hiểu biết này mở ra một con đường khám phá hoàn toàn mới cho các nhà khoa học trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. 

Một trong những mặt trăng của Sao Thổ tiềm ẩn sự sống

Những manh mối về người ngoài hành tinh năm 2021 làm bối rối giới khoa học - 4

Một nghiên cứu hồi tháng 6 cho thấy khí mê-tan bay ra từ Enceladus, mặt trăng lớn thứ 6 của Sao Thổ, có thể là dấu hiệu cho thấy sự sống ẩn náu dưới đáy biển của mặt trăng này. 

Vào năm 2005, tàu quỹ đạo Cassini Saturn của NASA đã phát hiện ra các mạch nước ngầm từ các vết đứt gãy gần cực nam của Enceladus. Chúng được cho là đến từ một đại dương khổng lồ ẩn mình bên dưới lớp vỏ băng giá của mặt trăng.

Nhiều hợp chất khác, bao gồm dihydrogen (H2) và một loạt các hợp chất hữu cơ chứa carbon , bao gồm cả mêtan (CH4), cũng xuất hiện trong các mạch nước này. 

"Chất thải động vật" được phát hiện ở Sao Kim

Những manh mối về người ngoài hành tinh năm 2021 làm bối rối giới khoa học - 5

Tháng 12, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cardiff, MIT và Đại học Cambridge (Mỹ) phát hiện thấy amoniac tồn tại ở các đám mây trên Sao Kim - nằm cách Trái Đất khoảng 38,2 triệu km. 

Đây vốn dĩ là chất không thể có trong tự nhiên ở Sao Kim. Thế nên, sự xuất hiện của nó bị nghi ngờ là được tạo ra bởi một thể sống nào đó, với giả thuyết đã có một loạt các phản ứng hóa học làm trung hòa các giọt axit sulfuric luôn hiện hữu trong bầu khí quyển của hành tinh này, và biến nó thành môi trường có thể sinh sống.

Các nhà khoa học tin tưởng với kết luận này là bởi amoniac vốn dĩ là chất thải còn sót lại từ các loài động vật dưới dạng lỏng trên hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, ở Sao Kim - nơi nóng đến mức được cho là rất khó có khả năng tồn tại các sinh vật sống (trung bình lên tới 462 độ C), thì những vi khuẩn nhỏ bé như vi khuẩn Trái Đất có thể đã phải "lưu trú" trên những đám mây.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm