Những đám mây ô nhiễm khổng lồ chứa khí CO từ thảm họa cháy rừng Amazon
(Dân trí) - Vụ cháy rừng Amazon đang diễn ra nhanh với tốc độ chưa từng thấy. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất được NASA công bố cho thấy một lượng lớn khí độc CO thoát ra tạo thành những đám mây khổng lồ ở khu vực này.
Những hình ảnh được lấy từ thiết bị cảm biến hồng ngoại (AIRS) trên vệ tinh AQUA của NASA cho thấy một khối mây khổng lồ được hình thành vào thời điểm giữa ngày 8 và 22 tháng 8. Đám mây bắt đầu từ khu vực Brazil, nơi mà phần lớn diện tích của khu rừng lớn nhất hành tinh này tọa vị, cuối cùng,lan ra khắp khu vực phía bắc của Nam Mỹ.
Qua những dữ liệu hình ảnh, đám mây có sự thay đổi màu sắc từ xanh lá chuyển sang vàng và cuối cùng chuyển sang đỏ. Đồng nghĩa với việc lượng CO trong khí quyển ngày càng tăng. Theo quy ước của NASA về mức độ màu sắc này cho thấy: màu xanh biểu thị cho mật độ tập trung khí CO trong không khí là xấp xỉ 100 một phần triệu thể tích (ppbv), màu vàng là 120 ppbv và màu đỏ là 160 ppbv.
Tuy nhiên, “những con số thực tế ở hiện trường vụ cháy còn có thể cao hơn nhiều” NASA bổ sung thêm. Trong khi đó, theo Hiệp hội Đại học Nghiên cứu Khí quyển (UCAR), 100 ppbv là mức độ bình thường trong không khí. Trên website của NASA, họ đã có những sự báo động về mức độ ảnh hưởng của hiện tượng ô nhiễm này “Ở những vùng tọa độ cao, khí CO có ít tác động đến không khí chúng ta hít thở, tuy nhiên, gió lớn có thể đẩy khí độc này xuống thấp và ảnh hướng trầm trọng đến chất lượng không khí”.
Khí CO hay còn gọi là khí Cacbon monoxit là một loại khí không màu, không mùi và có độc tính cực kỳ mạnh, có thể gây chết người. Khí CO cũng là một tác nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí và thay đổi khí hậu. “Loại khí ô nhiễm này có thể di chuyển được khoảng cách xa và tồn đọng trong khí quyển trong khoảng một tháng” NASA cho biết.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ), những triệu chứng thường thấy của ngộ độc khí CO là đau đầu, chóng mặt, suy nhược cơ thể, dạ dày khó chịu, nôn mửa, tức ngực, rối loạn. Thậm chí, nếu hít nhiều loại khí độc này có thể gây hôn mê và dẫn đến tử vong.
Trong tình hình hiện tại, Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil đã có những ghi chép số liệu cụ thể về vụ cháy rừng lịch sử này: Số lượng đám cháy tăng 85% so với hơn 77,000 vụ cháy xảy ra vào năm ngoái. Đây là một con số kỷ lục kể từ khi viện này bắt đầu thu thập số liệu vào năm 2013.
Tại một hội nghị thượng định được tổ chức ở Pháp, nhóm 7 quốc gia thành viên – G7 đã cam kết hỗ trợ 20 triệu đô la, cùng với hai khoản hỗ trợ riêng từ Vương Quốc Anh với 12 triệu đô la và Canada với 11 triệu đô la. Cam kết hỗ trợ quốc tế này diễn ra bất chấp tình trạng quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Brazil -Jair Bolsonaro với các quốc gia Châu Âu khi vị này cho rằng những quốc gia giàu có đang đối xử với Brazil như thuộc địa.
Tống Trần Hiến
Theo Foxnews