Những chiếc mũ đá nặng 13 tấn đặt trên đầu bức tượng bí ẩn ở Đảo Phục Sinh
(Dân trí) - Những bức tượng đá (còn gọi là moai) trên Đảo Phục Sinh là một di tích bí ẩn của nền văn minh Polynesia bị mất từ lâu nhưng các nhà khoa học tuyên bố đã tình cờ phát hiện những bằng chứng khảo cổ chưa từng thấy về đầu của những phiến đá khổng lồ này.
Các nhà khoa học đã trải qua hàng thập kỷ cố gắng để tìm hiểu nguồn gốc bí ẩn và mục đích của 887 đầu người bằng đá nằm rải rác trong vườn quốc gia Rapa Nui (Đảo Phục Sinh).
Lạ lùng hơn, các nhà khảo cổ đã rất khó khăn để tìm hiểu xem bằng cách nào một số bức tượng cổ xưa có những chiếc mũ đá scoria đỏ nặng tới 13 tấn trên đầu.
Một nhóm các nhà nhân chủng học tại Mỹ tin rằng họ đã tìm thấy bằng chứng khảo cổ để giải mã bí ẩn này với sự trợ giúp của kỹ thuật chụp ảnh và hình ảnh 3-D.
Tốt nghiệp khoa nhân chủng học Penn State, Sean Hixon cho biết: "Rất nhiều người đã đưa ra ý tưởng, nhưng chúng tôi là người đầu tiên đưa ra ý tưởng cùng với bằng chứng khảo cổ học."
Theo nhà nghiên cứu, những chiếc mũ đá, còn gọi là pukao, được những người Polynesia cẩn thận lăn từ một mỏ đá xa 12 km trên đảo về phía bức tượng.
Nhưng bằng cách nào, những người dân đảo thế kỷ 13 nhấc được những tảng đá khổng lồ lên độ cao đến 10 m để đặt trên đầu các bức tượng đá?
Bằng chứng mới cho thấy pukao đã được lăn trên những mặt phẳng nghiêng đặc biệt lên đầu bức tượng và được chạm khắc thủ công thành các hình dạng cụ thể.
Ông Hixton nói: “Giải thích tốt nhất cho việc di chuyển mũ pukao từ mỏ đá là lăn nguyên liệu thô đến vị trí của những bức tượng moai. Khi ở moai, pukao được lăn lên những đoạn đốc cao tới đỉnh của bức tượng đứng bằng cách sử dụng kỹ thuật parbuckling. ”
Kỹ thuật parbuckling liên quan đến việc sử dụng một sợi dây thừng dài quấn quanh một đối tượng và di chuyển đối tượng đi lên theo một mặt phẳng nghiêng.
Một khi lên đến đỉnh đầu, chiếc mũ đỏ được xếp vào vị trí và tạo thành hình dạng cuối cùng. Và nghiên cứu cho thấy sẽ không cần quá 15 công nhân để di chuyển chiếc mũ lớn nhất lên dốc.
Giáo sư Carl Lipo, Đại học Binghamton, cho biết: “Đây là lần đầu tiên người ta khám phá một cách có hệ thống bằng chứng cho việc làm thế nào những chiếc mũ to lớn được đặt lên đỉnh của những bức tượng khổng lồ trên Đảo Phục Sinh. Chúng tôi đã kết hợp mô hình 3-D tiên tiến với phân tích đồ họa và các mô hình được rút ra từ vật lý để đưa ra câu trả lời tốt nhất.”
Các nhà nhân chủng học cũng đã chỉ ra người Polynesia di chuyển đầu tới các điểm đến dừng nghỉ bằng cách rung lắc chúng dọc theo những con đường được xây dựng cẩn thận.
Theo Tiến sĩ Lipo: “Các bức tượng được di chuyển sử dụng các quy trình vật lý đơn giản theo một cách tao nhã và hiệu quả đáng kể.”
Những phát hiện trong nghiên cứu mới này đã được công bố tạp chí khoa học Journal of Archaeological Science.
Đào Hiền (Theo Express)