Nhu cầu dược chất phóng xạ sử dụng trong y tế tăng mạnh

Nguyễn Hùng

(Dân trí) - Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hạt nhân, tổng nhu cầu dược chất phóng xạ sản xuất trên lò phản ứng sử dụng trong y tế của Việt Nam hiện nay gần 1.800 Ci/năm.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 diễn ra tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 29/12, lãnh đạo Cục năng lượng Nguyên tử cho hay, trong thời gian gần đây, Viện Nghiên cứu hạt nhân vận hành lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt hiệu quả, sản xuất và cung cấp trên 1.000 Ci/nam, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước.

Nhu cầu dược chất phóng xạ sử dụng trong y tế tăng mạnh - 1

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nửa đầu năm 2020, Viện Nghiên cứu hạt nhân gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu các sản phẩm dược chất phóng xạ và nguyên liệu làm dược chất phóng xạ từ nước ngoài. Viện đã cải tiến quy trình sản xuất, bảo dưỡng thiết bị, tăng ca vận hành tối đa lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu để đảm bảo nguồn cung dược chất phóng xạ trong nước.

Tính đến tháng 11/2020, Viện nghiên cứu hạt nhật đã cung cấp 1.233 Ci đồng vị phóng xạ, tăng 20% so với năm 2019 nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho các cơ sở y học hạt nhân trên cả nước.

Vì sao nhu cầu dược chất phóng xạ trong nước tăng?

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, cả nước có 40 cơ sở y học hạt nhân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh/thành phố lớn; có khoảng 52 thiết bị xạ hình, đạt tỷ lệ khoảng 0,55 máy/1 triệu dân.

Cả nước có 42 có sở xạ trị. Các cơ sở xạ trị tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, có trình độ kinh tế  - xã hội phát triển. Tổng số thiết bị xạ trị đạt gần 96 thiết bị, đạt tỷ lệ 1 thiết bị/1 triệu dân; Có khoảng 8.770 thiết bị X-quang, gần 900 máy chụp cắt lớp vi tính (CT), 280 máy chụp cộng hưởng từ và trên 70 máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA.

Với số lượng quy mô máy móc, trang thiết bị gia tăng như trên nên dẫn việc sử dụng dược chất phóng xạ tăng cao.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay ứng dụng năng lượng nguyên tử được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực y tế giúp phát hiện, chẩn đoán, điều các ca bệnh hiểm nghèo. Chẳng hạn như, một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trong khu vực và quốc tế như xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, đánh giá cơ tim sống sót bằng FDG PET/CT, chụp xạ hình hạch gác và sử dụng đầu dò gamma trong phẫu thuật ung thư vú, chụp xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan… đã được triển khai thành công và phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng.

Nhiều kỹ thuật điều trị y học hạt nhân hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam như điều trị ung thư tế bào gan (HCC) bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ; kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I-131; kỹ thuật cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt…

Sự tiến bộ của KH&CN mà đặc biệt là công nghệ gia tốc đã giúp cho phương pháp xạ trị đạt được hiệu quả và có nhiều ưu thế trong trị liệu ung thư. Năm 2000, thiết bị gia tốc xạ trị LINAC hiện đại đầu tiên của Việt Nam được lắp đặt và đưa vào phục vụ điều trị ung thư tại Bệnh viện K. Sau gần 20 năm, ngoài các thiết bị chẩn đoán, hỗ trợ chuyên môn, hiện nay đã có khoảng trên 70 máy xạ trị gia tốc LINAC được trang bị ở các đơn vị bệnh viện ung bướu phân bố ở cả ba miền.