1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2)

(Dân trí) - Để có được thành công của ngày hôm nay, SpaceX đã trải qua quá trình phát triển các loại tên lửa đẩy, tàu vũ trụ và cũng đã phải hứng chịu không ít thất bại.

Chuyến bay đầu tiên của Falcon Heavy

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 1

Falcon Heavy là một tên lửa hạng nặng của dòng tên lửa Falcon, đã có chuyến bay ra mắt thành công tốt đẹp vào ngày 6/2/2018, khi được phóng lên từ Khu phóng 39A của NASA ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy (bang Florida).

Falcon Heavy hiện đang là tên lửa mạnh mẽ nhất thế giới đang được sử dụng, bao gồm 3 tên lửa đẩy lõi dựa trên phiên bản đặc biệt của Falcon 9 và một tầng trên đầy uy lực. Falcon Heavy cao 70m và có thể mang theo khối lượng 64 tấn lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất.

Tên lửa này đã đưa thành công một chiếc xe Tesla và một con ma-nơ-canh mặc bộ đồ phi hành gia lên không gian trong chuyến bay đầu tiên của nó.

Chuyến hạ cánh thành công của Falcon Heavy

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 2

Hình ảnh trên là khoảnh khắc 2 tên lửa đẩy của Falcon Heavy hạ cánh thành công sau chuyến bay đầu tiên của nó vào ngày 6/2/2018. Trong khi 2 tên lửa đẩy hạ cánh thành công xuống mặt đất, thì bộ phận lõi tên lửa của Falcon Heavy đã lao xuống biển ở tốc độ cao.

Bộ phận tên lửa mang theo chiếc Tesla trải qua một lần bị đốt cháy nữa để đưa chiếc xe vào quỹ đạo sao Hỏa. Tuy nhiên, trang web khoa học LiveScience dự đoán các bức xạ sẽ phá hủy chiếc xe này trong vòng chưa đầy một năm.

Tàu du hành không gian Dragon Crew

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 3

Trong khi đưa ra những nhiệm vụ mang tính thương mại, SpaceX đã bắt đầu phát triển ra một phiên bản tàu vũ trụ để đưa phi hành gia đến ISS, được phát triển từ chiếc tàu Dragon cũ, có tên gọi Dragon Crew.

Công ty này đã nhận được một bản hợp đồng trị giá tối thiểu 2,6 tỷ USD vào năm 2014 để phát triển con tàu này. Vào tháng 9/2015, SpaceX cho thế giới thấy khu vực của phi hành đoàn bên trong Dragon Crew, với thiết kế tối giản bao gồm tường trắng, ghế tựa màu đen, rất nhiều màn hình cảm ứng và 4 cửa sổ cho các phi hành gia có thể nhìn ra ngoài.

Chuyến bay thử đầu tiên của Crew Dragon được phóng vào tháng 3/2019 đã diễn ra thành công tốt đẹp khi con tàu này đã đến được ISS rồi lại quay về.

Những chuyến bay thử của Crew Dragon

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 4

Trong bối cảnh NASA đang cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga trong việc đưa phi hành gia lên ISS, khi mỗi phi hành gia của Mỹ “đi nhờ” tàu Soyuz sẽ tiêu tốn của NASA hàng triệu USD, SpaceX đã phải làm việc rất chăm chỉ để phát triển phiên bản chở người của Dragon Crew và dự kiến chuyến bay đưa người lên ISS sẽ diễn ra vào năm 2020.

Chuyến phóng tàu vũ trụ có người lái gần nhất trên đất Mỹ là vào năm 2011. Đó là chuyến bay cuối cùng của dự án tàu con thoi.

Falcon 9 Block 5

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 5

Vào tháng 3/2018, SpaceX tiết lộ về phiên bản thứ năm và cũng là cuối cùng của dòng tên lửa Falcon 9: Falcon 9 Block 5. Được thiết kế với mức độ tái sử dụng tối đa (mục tiêu là có thể sử dụng tối thiểu 10 lần), tên lửa này sẽ đưa các phi hành gia của NASA lên vũ trụ bằng tàu Dragon Crew.

Tên lửa Falcon 9 Block 5 đầu tiên được xây dựng lên để mang theo Bangabandhu-1, vệ tinh giao tiếp đầu tiên của Bangladesh, lên vũ trụ. Nó được phóng vào tháng 3/2018. Tên lửa đẩy Falcon Block 5 này sau đó tiếp tục được sử dụng để phóng một vệ tinh của Indonesia vào tháng 8/2018.

Starship và Super Heavy

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 6

Vào tháng 9/2019 , người sáng lập SpaceX là Elon Musk đã thông báo về một phương tiện hoàn toàn mới cho công ty của mình: một tên lửa to lớn, có thể tái sử dụng hoàn toàn và tên lửa đẩy được thiết kế để có thể đưa người lên sao Hỏa. Và thế là tàu vũ trụ Starship và tên lửa đẩy Super Heavy được ra đời

Ban đầu được gọi là Hệ thống Giao thông Liên hành tinh (ITS), sau được đổi tên là Big Falcon Rocket, hệ thống này được dựng lên cho ý định khám phá sao Hỏa trong tương lai, nhưng có thể được dùng để đến mặt Trăng, các điểm đến khác ngoài vũ trụ và những chuyến đi từ điểm nọ sang điểm kia vòng quanh Trái đất.

Musk đã điều chỉnh thiết kế rất nhiều lần, đưa ra rất nhiều thông số khác nhau từ 2017 đến 2018, cuối cùng dừng lại ở một thiết kế vào năm 2019.

Ở cấu hình chính thức, tàu Starship và tên lửa đẩy Super Heavy cao 118m và có thể mang theo 100 tấn đến quỹ đạo tầm thấp Trái đất. Tên lửa đẩy có thể tái sử dụng được hoàn toàn.

Elon Musk tuyên bố đã có kế hoạch để sử dụng tên lửa trong từng nhóm, mỗi nhóm sẽ mang hàng trăm hoặc hàng ngàn khách đến sao Hỏa. Trong thập niên 2020, Musk dự định sẽ dừng phát triển dòng tên lửa Falcon, ngoại trừ Super Heavy, là tên lửa sẽ thực hiện mọi nhiệm vụ. Các điểm đến sẽ trải dài từ sao Hỏa đến ISS…

Starhopper của SpaceX

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 7

Vào năm 2019, SpaceX đã phóng Starhopper, một nguyên mẫu của Starship trong một loạt các bước thử nghiệm của công ty.

Starhopper là phiên bản tương đương của Starship, được phát triển từ nguyên mẫu Grasshopper mà SpaceX đã từ năm 2011.

Được làm từ thép không gỉ, phương tiện có 3 chân chỉ có duy nhất một động cơ tên lửa Raptor và thực hiện một loạt các cuộc thử nghiệm, mà đỉnh điểm là một cú bật rất cao vào 27/8/2019. Vào thời điểm đó, Starhopper nhấc mình lên khỏi một bệ phóng của SpaceX và chạm tới độ cao 150 m rồi đáp xuống bệ hạ cánh cách đó không xa. Toàn bộ chuyến bay tốn chưa đầy 1 phút và cú bật cao này nằm trong bài thử nghiệm thứ tư và cũng là cuối cùng của Starhopper.

Sau đó, SpaceX đã ngừng lại việc phát triển Starhopper để tập trung nghiên cứu Starship.

Starship Mk 1

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 8

Tháng 9/2019, sau nhiều tháng trông đợi, SpaceX đã hé lộ về nguyên mẫu đầu tiên của Starship, có tên gọi Starship Mark 1 hay con gọi là Starship Mk 1.

Giống Starhopper, Starship Mk 1 cũng được làm từ thép không gỉ. Phương tiện này có nhiều thay đổi về mặt thiết kế so với Grasshopper, với 2 cánh tản nhiệt (giảm xuống từ 3 cánh) và chỉ được chế tạo cho những chuyến bay thử nghiệm không có phi hành đoàn.

SpaceX đã phát triển nhiều phiên bản khác của Starship Mk1 (bây giờ được gọi là Starship SN4). SN4 sẽ trải qua nhiều cuộc thử nghiệm để đến được một “cú bật” vào năm 2020.

Lần đầu tiên Crew Dragon có người bên trong

Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX (Phần 2) - 9

Vào tháng 3/2019, SpaceX đã phóng một tàu Crew Dragon không người lái đến trạm vũ trụ ISS trong nhiệm vụ Demo-1. Tháng 1/2020, công ty này đã thử nghiệm nhiệm vụ In-Flight Abort để chứng minh hệ thống thoát hiểm khẩn cấp của Crew Dragon.

Cuối cùng, đến ngày 31/5 vừa qua, chuyến bay có người lái đầu tiên của Crew Dragon đưa 2 phi hành gia người Mỹ của NASA là Bob Behnken và Doug Hurley lên trạm vũ trụ ISS, đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Sau hơn 2 tháng làm việc trên ISS, Crew Dragon đã đưa 2 người  quay trở lại trái đất an toàn vào ngày 2/8. Nhiệm vụ của SpaceX trong lần đầu tiên đưa người của NASA bay vào vũ trụ đã đi vào sử sách.

Sự khép lại của chuyến du hành vào không gian tuyệt vời này mở ra một trang sử mới với ngành hàng không vũ trụ. Dự kiến nếu mọi thứ thuận lợi, chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ có thể khởi hành vào tháng 9/2020. Việc bất cứ ai bay vào vũ trụ sắp có thể trở thành hiện thực, miễn là người đó có tiền.