1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1

Minh Khôi

(Dân trí) - Mặc dù bị trì hoãn tới 3 lần, song NASA cuối cùng đã kết thúc thành công sứ mệnh quan trọng, mở đường cho hành trình quay trở lại Mặt Trăng của con người.

Rạng sáng nay (12/12), viên nang của tàu Orion đã hạ cánh an toàn xuống Trái Đất, qua đó kết thúc sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 đầy tham vọng của NASA.

Mới đây, tờ Space đã điểm lại 8 điểm nhấn quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 đi kèm với những hình ảnh ấn tượng được NASA ghi lại. Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng.

1. Hệ thống phóng SLS sẵn sàng khai hỏa

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 1

Khoảng 9 ngày trước khi cất cánh, hệ thống phóng SLS mạnh mẽ nhất của NASA đã sẵn sàng cho mọi công tác của sứ mệnh tại Tổ hợp Phóng 39B, Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida (Mỹ).

Trong vụ phóng đưa viên nang Orion rời khỏi Trái Đất, tên lửa từ hệ thống này tạo ra lực đẩy kỷ lục lên tới xấp xỉ 4.000 tấn, khiến nó trở thành phương tiện mạnh nhất lịch sử được bay lên thành công.

2. Bệ phóng bị phá hủy

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 2

Vài giây sau khi đánh lửa, hệ thống SLS khai mở hành trình lên Mặt Trăng của tàu Orion vào ngày 16/11/2022, nhưng đồng thời cũng phá hủy một phần bệ phóng, do lực đẩy quá mạnh.

Rất may là sự việc trên không gây ảnh hưởng tới an toàn của chuyến bay, và NASA cũng đã nhanh chóng khắc phục sự cố.

3. Tên lửa thắp sáng bầu trời đêm

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 3

Buổi phóng dành cho sứ mệnh Artemis-1 được thực hiện vào khoảng 1 giờ sáng địa phương, khi màn đêm vẫn còn bao phủ. Do đó, khi tên lửa được phóng lên bầu trời, nó đã thắp sáng toàn bộ khu vực, đồng thời để lại một cột khói dài.

4. Ảnh chụp Trái Đất gửi về từ tàu Orion

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 4

Ngay khi vừa rời khỏi Trái Đất để tiến vào không gian, một camera trên đỉnh tàu Orion đã chụp được hình ảnh Trái Đất của chúng ta.

Bao phủ xung quanh Trái Đất là một màu đen tuyệt đối của không gian, càng làm tôn lên vẻ đẹp hiện hữu của "Hành tinh Xanh".

5. Tàu Orion phá kỷ lục về khoảng cách

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 5

Vào ngày thứ 13 của sứ mệnh, tàu Orion đạt khoảng cách tối đa với Trái Đất, xấp xỉ 432.000 km. Khoảng cách này giúp Orion phá vỡ kỷ lục của Apollo 13 để trở thành tàu vũ trụ được chế tạo dành cho con người bay xa nhất tính từ Trái Đất.

6. Cận cảnh nửa tối của Mặt Trăng

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 6

Vào ngày 5/12, tức ngày thứ 20 trong sứ mệnh Artemis-1 của NASA, tàu Orion đã chụp được cận cảnh bề mặt nửa tối của Mặt Trăng trong hành trình bay xung quanh vệ tinh này.

Đây là điều nằm trong kế hoạch của NASA và sẽ rất hữu ích đối với sứ mệnh Artemis-3 (thực hiện năm 2025), với việc hạ cánh phi hành đoàn xuống gần cực Nam của Mặt Trăng.

7. Trở lại Trái Đất

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 7

Vài phút trước khi tàu vũ trụ Orion quay trở lại bầu khí quyển Trái đất với tốc độ cực nhanh (khoảng 40.000 km/h), nó đã kịp ghi lại hình ảnh về nửa tối của "Hành tinh Xanh" khi nhìn từ không gian.

Lá chắn nhiệt của tàu Orion sau đó phải hứng chịu nhiệt độ xấp xỉ 2.800 độ C khi nó quay trở lại bầu khí quyển. Mức nhiệt này gần bằng một nửa so với nhiệt độ của bề mặt Mặt Trời.

8. Hạ cánh thành công

Nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 - 8

Vào 12 giờ 40 phút chiều ngày 11/12 (theo giờ địa phương), viên nang của tàu Orion đã hạ cánh an toàn ngoài khơi vùng bờ biển tại Bán đảo Baja, Mexico.

Ngay sau khi hạ cánh, viên nang của tàu Orion đã được trục vớt bởi USS Portland - một con tàu cứu hộ của Hải quân Mỹ, rồi vận chuyển tới San Diego. Tại đây, nó sẽ tiếp tục hành trình quay trở lại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, và được kiểm tra kỹ lưỡng.

NASA khẳng định sự thành công của Artemis-1 là tiền đề quan trọng cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.