Nhịn ăn không liên tục có giúp sống lâu hơn?

(Dân trí) - Đối với nhiều người, năm mới là thời điểm để áp dụng những thói quen mới như một cam kết làm mới sức khỏe cá nhân. Những người yêu thích thể dục thì nhiệt tình mua các gói tập trong các phòng tập thể dục và trong cửa hàng tạp hóa thì tấp nập những người mua sắm muốn thử áp dụng các chế độ ăn kiêng mới.

Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học có ủng hộ những tuyên bố đưa ra cho những chế độ ăn kiêng này không?

Nhịn ăn không liên tục có giúp sống lâu hơn? - 1

Trong một bài viết được xuất bản trên Tạp chí Y học New England, tiến sĩ Mark Mattson, nhà thần kinh học của Trường Đại học Johns Hopkins, đã đưa ra kết luận đối với việc nhịn ăn không liên tục.

Mattson, người đã nghiên cứu các tác động sức khỏe của việc nhịn ăn gián đoạn trong 25 năm và tự mình áp dụng nó khoảng 20 năm trước, đã viết rằng “nhịn ăn gián đoạn có thể là một phần của lối sống lành mạn”.

Mattson cho biết, chế độ ăn kiêng nhịn ăn gián đoạn, thường chia thành hai kiểu: ăn hạn chế theo thời gian hàng ngày, kiểu này rút ngắn quãng thời gian ăn uống xuống còn 6-8 tiếng mỗi ngày, và kiểu hai gọi là nhịn ăn gián đoạn 5:2, trong đó mọi người tự giới hạn bữa ăn ở mức vừa phải cỡ hai ngày mỗi tuần. Chế độ ăn 5:2 là chế độ kiêng gián đoạn được áp dụng trong vòng 7 ngày. Cụ thể, cơ thể sẽ tiêu thụ 2000 - 2500 calo/ngày trong 5 ngày và 2 ngày còn lại thì cắt giảm lượng calo tiêu thụ còn ¼. Trong 2 ngày ăn kiêng, người áp dụng chế độ này sẽ chỉ nên tiêu thụ 500 calo/ngày đối với nữ và 600 calo/ngày đối với nam.

Một loạt các nghiên cứu trên động vật và một số nghiên cứu ở người đã cho thấy rằng xen kẽ giữa nhịn ăn và ăn thúc đẩy tế bào khỏe mạnh nhờ kích hoạt chuyển hóa trao đổi chất. Việc chuyển hóa này giúp cải thiện sự điều hòa lượng đường trong máu, tăng khả năng chống lại căng thẳng và ức chế viêm. Do hầu hết người Mỹ ăn ba bữa cộng với đồ ăn nhẹ mỗi ngày nên họ không trải nghiệm thấy sự chuyển đổi, hoặc các lợi ích được đề xuất từ chế độ ăn này.

Trong bài báo, Mattson lưu ý rằng bốn nghiên cứu ở cả động vật và người tìm thấy việc nhịn ăn không liên tục cũng làm giảm huyết áp, nồng độ lipid trong máu và nhịp tim khi nghỉ ngơi.

Bằng chứng cũng cho thấy việc nhịn ăn không liên tục có thể sửa đổi các yếu tố nguy cơ liên quan đến béo phì và tiểu đường”, Mattson nói.

Hai nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học South Manchester NHS Foundation Trust trên 100 phụ nữ thừa cân cho thấy những người theo chế độ ăn kiêng nhịn ăn 5:2 giảm cân như những phụ nữ thực hiện chế độ hạn chế calo, nhưng nhảy cảm với insulin và giảm chất béo bụng tốt hơn những người cùng trong nhóm giảm calo.

Gần đây hơn, Mattson nói, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng nhịn ăn không liên tục cũng có thể có lợi cho sức khỏe não bộ. Một thử nghiệm lâm sàng ở nhiều trung tâm tại Đại học Toronto vào tháng 4 cho thấy 220 người lớn béo phì khỏe mạnh duy trì chế độ ăn hạn chế calo trong hai năm có các dấu hiệu cải thiện trí nhớ trong một loạt các bài kiểm tra nhận thức. Mặc dù cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để chứng minh các tác động của việc nhịn ăn gián đoạn đối với việc học và trí nhớ, Mattson nói rằng nếu bằng chứng đó được tìm thấy thì nhịn ăn cũng có xem là biện pháp can thiệp có thể ngăn chặn chứng thoái hóa thần kinh và chứng mất trí nhớ.

Mattson thừa nhận rằng các nhà nghiên cứu đã chưa hiểu hết các cơ chế cụ thể của việc trao đổi chất và một số người đã không thể hoặc không muốn tuân thủ “các chế độ nhịn ăn gián đoạn”. Nhưng ông cho rằng với sự hướng dẫn và một chút kiên nhẫn, hầu hết mọi người có thể kết hợp chúng vào cuộc sống của họ. Cơ thể cần một chút thời gian để điều chỉnh việc nhịn ăn gián đoạn và vượt qua cơn đói ban đầu và khó chịu đi kèm với nó.

Bệnh nhân cần được cho biết rằng cảm giác đói và khó chịu ban đầu khi áp dụng chế độ ăn gián đoạn là phổ biến và thường qua sau hai tuần đến một tháng khi cơ thể và não bộ đã quen với thói quen mới”, Mattson nói.

Mattson đề nghị các bác sĩ cần khuyên bệnh nhân nên tăng dần thời gian và tần suất của thời gian nhịn ăn trong vài tháng. Với tất cả các phương pháp thay đổi lối sống, điều quan trọng đối với các bác sĩ là phải hiểu rõ cơ chế khoa học để họ có thể truyền đạt những lợi ích, tác hại và thách thức tiềm năng và cung cấp hỗ trợ khi cần thiết.

M.P

Theo Medicalxpress