Nhiều nhà vật lý hạt nhân hàng đầu đến Việt Nam
(Dân trí) - Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền năm 2023 là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu vật lý hạt nhân cơ bản do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam tổ chức từ 4 - 8/5 tại Phú Quốc.
Năm 2023 là lần thứ sáu hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. Tại đây, các nhà khoa học từ Mỹ, Pháp, Nhật, Ba Lan, Hàn Quốc… trình bày những phát hiện mới nhất về các lĩnh vực cấu trúc hạt nhân, phản ứng hạt nhân.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN TS. Lê Xuân Định đã chỉ ra rằng những kết quả nghiên cứu vật lý hạt nhân đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ như khoa học sức khỏe, khoa học vật liệu, khoa học môi trường, công nghệ vật liệu mới…, đặc biệt các nghiên cứu vật lý hạt nhân cơ bản đã góp phần đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội. Những nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học đã cho thấy nhiều khía cạnh của vật lý hạt nhân hiện đại và tác động của nó tới nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau.
TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết hội thảo là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai vật lý hạt nhân cơ bản, nhằm trao đổi những kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh những đóng góp quan trọng cho cộng đồng vật lý hạt nhân từ GS Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, và GS Nicolas Alamanos, Viện Năng lượng Nguyên tử Pháp, những người ra ý tưởng và trực tiếp tham gia tổ chức loạt hội thảo ISPUN thành công.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ và thảo luận các vấn đề chính của vật lý hạt nhân cơ bản gồm: Các nghiên cứu thực nghiệm gần đây về cấu trúc của hạt nhân không bền, sự tiến hóa lớp vỏ của hạt nhân giáp danh đường bền, cấu trúc từ các cụm hạt nhân và của hạt nhân siêu nặng; nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về phản ứng hạt nhân trực tiếp gây ra bởi cả chùm hạt bền và không bền; phản ứng hạt nhân ở vùng năng lượng vật lý thiên văn…
Tại phiên đầu tiên, GS. Hiroyoshi Sakurai đến từ RIKEN (Nhật Bản) trình bày tổng quan về thành tựu và kế hoạch tại RIBF. GS. Hervé Savajols đến từ GANIL (CH Pháp) trình bày về những điểm nổi bật của trang thiết bị tại GANIL/SPIRAL2.
Tiếp theo là báo cáo của GS. Haik Simon đến từ GSI Darmstadt (CHLB Đức) trình bày về hiện trạng và sự phát triển các trang thiết bị của dự án FAIR. Một đại diện đến từ dự án ELI-NP là GS. Klaus Spohr trình bày tổng quan dự án ELI-NP, tại Rumani. Kết thúc phiên làm việc đầu tiên là bài trình bày của GS. Wenlong Zhan đến từ Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc về tổng quan các thiết bị nghiên cứu hạt nhân lớn của nước bạn.
Bắt đầu phiên thứ hai là bài trình bày của GS. Seung-Won Hong đến từ RISP-RAON về Tổng quan và tình trạng của các trang thiết bị tại RAON, tại Hàn Quốc. Sau đó là bài nói của GS. Tomohiro Uesaka từ RIKEN trình bày về các nghiên cứu phản ứng bứt nucleon trong các hạt nhân hình thành từ nhiều cụm nucleon.
Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của Hội đồng khoa học, ISPUN lần thứ 6 đã chọn được 93 báo cáo. Đây là các tham luận, báo cáo về tình hình hiện tại và triển vọng của các thiết bị, dự án khoa học mang tính tiên phong tại các trung tâm nghiên cứu hạt nhân trên thế giới, được các nhà khoa học, chuyên gia thế giới chia sẻ.