1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Sóc Trăng:

Nhiều nhà giáo đạt giải thưởng cao trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật

(Dân trí) - Tại buổi tổng kết Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ 9 năm 2015, nhiều giải pháp có hiệu quả đã được trao cho các nhà giáo đang công tác tại các trường học trong tỉnh Sóc Trăng.

Ban tổ chức hội thi cho biết, hội thi lần này có 40 giải pháp đăng ký dự thi. Trong đó có 12 giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; 7 giải pháp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí tự động hóa, chế tạo công cụ, dụng cụ; 9 giải pháp nông, lâm, ngư nghiệp; 1 giải pháp vật liệu, hóa chất, năng lượng, xây dựng vào giao thông vận tải; 8 giải pháp y dược, giáo dục và đào tạo; 3 giải pháp tài nguyên và môi trường.

Qua chấm chọn, kết quả có 1 giải pháp đạt giải Nhất; 7 giải pháp đạt giải Nhì; 8 giải pháp đạt giải Ba và 13 giải pháp đạt giải Khuyến khích; trong đó, các nhà giáo đã chiếm hết 16 giải (có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích).

Thầy Nguyễn Văn Nưng (giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 3A, huyện Cù Lao Dung) xuất sắc giành giải Nhất với giải pháp “Máy vô chân mía”. Giải pháp được thực hiện từ niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật của nhà giáo Nguyễn Văn Nưng xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất nông nghiệp của người dân ở huyện Cù Lao Dung, nơi có diện tích mía nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng. Với sự đam mê của mình, qua nghiên cứu, tìm tòi, thầy Nguyễn Văn Nưng đã thiết kế, chế tạo chiếc máy vô chân mía gọn nhẹ, thuận tiện trong quá trình vận hành. Việc áp dụng máy vô chân mía sẽ giúp giảm giá thành trồng mía nguyên liệu, giảm công thuê mướn lao động, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân và góp phần vào quá trình cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Trao giải Nhất cho thầy giáo Nguyễn Văn Nưng với giải pháp Máy vô chân mía.
Trao giải Nhất cho thầy giáo Nguyễn Văn Nưng với giải pháp "Máy vô chân mía".

Tác giả Huỳnh Chí Phến (Trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng) đạt giải Nhì với giải pháp “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý báo giảng, đăng ký hội giảng, đăng ký phòng thực hành, đăng ký sửa chữa cơ sở vật chất”. Giải pháp này được Ban tổ chức đánh giá đã góp phần tăng hiệu quả quản lý, điều hành trong nhà trường; hơn nữa đã ứng dụng được vào trang thông tin điện tử của trường, việc truy cập thông tin dễ dàng, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý báo giảng, đăng ký hội giảng, đăng ký phòng thực hành, đăng ký sửa chữa cơ sở vật chất.

Giải pháp “Máy cắt đa năng cải tiến giá rẻ” của các nhà giáo Đoàn Văn Chỉnh, Nguyễn Đức Thắng, Phan Ngọc Bình (Trường THCS Châu Hưng, huyện Thạnh Trị) được trao giải Nhì khi các tác giả đã thành công với chiếc máy cắt được tích hợp nhiều chức năng như thái chuối cây, tách vỏ ốc, xay cua, tôm, cá,... Với động cơ tương đối nhỏ (2 HP) nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian, giá thành rẻ, đáp ứng được nhu cầu trong chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân địa phương.

Nhà giáo Nguyễn Đình Khánh (Trường THCS Tài Văn, huyện Trần Đề) cũng đạt giải Nhì cho giải pháp “Bộ quan sát tia sáng trong các thí nghiệm quang học phổ thông”. Với mô hình trực quan sinh động, bộ đồ dùng dạy học này giúp cho học sinh kiểm chứng lại nội dung lý thuyết, quan sát hình ảnh của tia sáng, chùm tia sáng trong môi trường không khí khi chúng đi qua các thấu kính hoặc các môi trường có chiết suất khác nhau. Giải pháp này nhằm giúp học sinh khơi dậy niềm đam mê và yêu thích hơn với môn học Vật lý nói chung và phần quang học nói riêng.

Với giải pháp “Xe điện hỗ trợ học sinh khuyết tật”, nhà giáo Lý Thanh Liêm (Trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng) giành giải Ba. Nhiều người đánh giá cao tính thực tiễn của giải pháp này khi hỗ trợ rất tích cực cho những học sinh khuyết tật, hỗ trợ cho các em đi lại dễ dàng hơn, phục vụ tốt công việc học tập cũng như trong sinh hoạt và cuộc sống của các em. Ngoài giải pháp đạt giải trên, nhà giáo Lý Thanh Liêm và một cộng sự của mình là nhà giáo Nguyễn Thái Bỏ (Trường THPT Hoàng Diệu) cũng đạt giải Ba cho giải pháp “Phương tiện di chuyển trong khu nội bộ”.

Thầy Lý Thanh Liêm cho biết: “Chúng tôi thực hiện việc chế tạo bằng nhiệt huyết, đam mê khoa học kỹ thuật chứ cũng không nghĩ đến việc sẽ đạt giải. Việc chế tạo xe điện hỗ trợ học sinh khuyết tật là do trường tôi đang công tác có học sinh khuyết tật nên chúng tôi nghĩ chế tạo phục vụ, hỗ trợ cho em phương tiện đi lại để học tập tốt hơn”.

Ông Hứa Chu Khem - Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, đánh giá, việc tổ chức Hội thi nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và sáng chế của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần này số lượng giải pháp tham dự tăng gấp đôi so với lần thi trước đó, chất lượng các giải pháp cũng cao hơn, có những giải pháp thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo, đã được áp dụng có hiệu quả trong thực tế sản xuất, đã đạt được nhiều kết quả khả quan, các giải pháp tham gia hội thi đều có tính khả thi cao trong thực tiễn.

Bạch Dương