1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nhiều động vật ở đại dương tồn tại nhờ có cách ngụy trang

(Dân trí) - Trong cuộc chiến sinh tồn ở giữa đại dương mênh mông, không có chỗ nào để ẩn nấp, một số lòai cá có “mẹo” dùng lớp vảy bạc của mình - như cá như cá trích, cá mòi, cá thu và cá ngừ - có tác dụng như những tấm gương phản chiếu ánh sáng làm cho những con vật săn mồi không nhìn thấy đối tượng, tạo cơ hội cho chúng trà trộn vào môi trường xung quanh.

Điều này có tác dụng như một tấm áo choàng vô hình dưới nước giúp chúng tự giấu mình ở những khu vực quang đãng trong lòng đại dương...

Nhiều động vật ở đại dương tồn tại nhờ có cách ngụy trang - 1

Từ lâu những nhà nghiên cứu đã cho rằng các loài động vật có thể nhìn thấy rõ lớp nguỵ trang ánh bạc này, nhờ vào một siêu năng lực của chúng: khả năng phát hiện thấy đặc tính của ánh sáng, được gọi là sự phân cực ánh sáng – mà loài người hoàn toàn không nhìn thấy được.

Các loài bạch tuộc và mực, tôm và giáp xác khác, và một vài loài cá như loài cá hương và cá hồi đều có khả năng đặc biệt này, gọi là tầm nhìn phân cực.

“Nó giống như là đeo kính râm phân cực,” Sonke Johnsen cho biết, giáo sư sinh học tại đại học Duke và là tác giả chính của nghiên cứu về tầm nhìn của các loài vật đối với lớp nguỵ trang phản chiếu dưới nước.

Sự phân cực của ánh sáng thay đổi khi ánh sáng va đập vào các lớp vảy óng ánh của những con cá bạc. Các nhà khoa học đã từng cho rằng điều này giúp các loài động vật có tầm nhìn phân cực dễ dàng phát hiện các loài cá bạc, để săn mồi hoặc để tránh thiên địch.

Nhưng những nghiên cứu được công bố mới đây lại cho thấy một ý kiến ngược lại.

Trong một nghiên cứu công bố ngày 22/8 trong tạp chí Sinh học đương đại, các nhà nghiên cứu đã lặn xuống dưới đáy biển ở khu vực Rặng san hô vĩ đại ở Úc và chụp hàng trăm bức ảnh về các loại cá bạc; bao gồm cá ngừ, cá bò biển, cá nhồng và cá mạng.

Các con cá được chụp ảnh ở khoảng cách từ 1,8 đến 3 mét bằng máy quay dưới nước chuyên dụng với lớp màng lọc phân cực tí hon được gắn thêm vào cảm ứng.

Các nhà nghiên cứu dùng những tấm ảnh này để đo độ phân cực và độ sáng của ánh sáng phản chiếu từ con cá và từ môi trường nước xung quanh. Bằng cách kết hợp thông tin này với những mô hình toán học của cách tiếp nhận thị giác, họ đã có thể tính toán được khoảng cách tối đa có thể phát hiện được những con cá bạc bằng tầm nhìn phân cực, và so sánh với cách dùng những tia sáng thường như ánh sáng ban ngày.

Các con cá bạc có phản chiếu một lượng ánh sáng phân cực nhỏ so với môi trường nước xung quanh, mà theo lý thuyết điều này có thể làm lộ vị trí của chúng. Nhưng ngạc nhiên là, nghiên cứu phát hiện thấy tầm nhìn phân cực không hề giúp các loài động vật phát hiện được cá bạc tốt hơn bao nhiêu so với khi không có loại cảm ứng đặc biệt này.

“Tầm nhìn thấy là rất quan trọng, bởi vì săn mồi và tránh không bị ăn thịt trong những vùng nước rộng lớn giữa đại dương đều yêu cầu phải nhìn thấy các loài động vật khác trước khi chúng nhìn thấy mình,” Johnsen cho biết. “Một khi bị nhìn thấy nghĩa là đã chết. Mọi chuyện sẽ kết thúc.”

Nếu những con vật có khả năng đặc biệt này không có lợi thế hơn trong việc xác định một con cá ngừ háu ăn đang tiến đến từ đằng xa, tại sao rất nhiều loài động vật dưới nước lại có tầm nhìn phân cực, và chúng sử dụng nó để làm gì? Ở trên cạn, “giác quan thứ sáu” này giúp các loài côn trùng và các loài vật khác tìm thức ăn, bạn tình và những nơi thuận tiện để đẻ trứng. Nhưng ở dưới đại dương, giờ đây chức năng này trở nên kém rõ ràng hơn.

“Có rất nhiều ánh sáng phân cực ở dưới nước, và có rất nhiều sinh vật dưới biển có thể nhìn thấy chúng, nhưng chúng tôi không biết tại sao,” Johnsen cho biết.

Một khả năng các nhà khoa học hi vọng có thể khai thác trong tương lai là tầm nhìn phân cực sẽ hữu dụng nhất trong những khoảng cách gần, chẳng hạn như khi xem xét bạn tình tiềm năng. Khi ở gần, những tia sáng phân cực có thể dùng để kết hợp với khả năng nhìn màu sắc và ánh sáng để nhìn chi tiết hơn, Johnsen cho biết.

Vân Trang (Theo Phys)