1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nhặt được viên đá lạ, người đàn ông vỡ òa khi biết giá trị thật

Minh Khôi

(Dân trí) - Tại Trung Quốc, một người đàn ông đã tình cờ nhặt được viên đá có hoa văn tựa "gấu trúc", được định giá là không dưới 150 triệu NDT (hơn 500 tỷ VND).

Nhặt được viên đá lạ, người đàn ông vỡ òa khi biết giá trị thật - 1

Theo nguồn tin địa phương, một người đàn ông họ Lâm ở quận Thành Dương, thuộc thị Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc) cách đây 12 năm đã nhặt được một viên đá có hình dạng kỳ lạ.

Viên đá này có kích thước to bằng cả bàn tay, đường vân trên đá hiện lên rất rõ ràng, màu sắc vô cùng đặc biệt.

Vốn là một người thích sưu tầm đá, ông Lâm đã mang nó về nhà và cất vào tủ kính để trưng bày.

Trong một lần rửa viên đá bằng nước, ông Lâm quan sát kỹ hoa văn của viên đá và phát hiện thấy ở bên trên dường như có hình ảnh của một con gấu trúc. Ngay lập tức, ông kết luận rằng viên đá này rất hiếm có.

Nhặt được viên đá lạ, người đàn ông vỡ òa khi biết giá trị thật - 2

Hoa văn trên viên đá trông tựa như một con gấu trúc đang nằm ngủ.

Sự việc người đàn ông tình cờ nhặt được viên đá "gấu trúc" đã nhanh chóng lan truyền khắp cả một khu vực rộng lớn. Thậm chí, đã có những chuyên sưu tầm đá quý đến tận nơi, ra giá 700.000 NDT (hơn 2 tỷ VND) để sở hữu viên đá.

Theo Hiệp hội Đá quý Trung Quốc, viên đá có tên gọi trong tự nhiên là "Bích huyền nham" (hay còn gọi là đá Basanit). Hiệp hội này ước tính giá trị của viên đá mà ông Lâm sở hữu là không dưới 150 triệu NDT (hơn 500 tỷ VND).

Mặc dù rất hạnh phúc vì giá trị của viên đá, nhưng ông Lâm vẫn từ chối mọi lời hỏi mua, mà chỉ muốn giữ nó như một món quà của tự nhiên.

Nhặt được viên đá lạ, người đàn ông vỡ òa khi biết giá trị thật - 3

Gấu trúc là loài vật quý ở Trung Quốc.

Basanit là một loại đá núi lửa, có cấu trúc từ ẩn tinh (hạt rất nhỏ) đến ban tinh (một số hạt lớn trên nền là các hạt nhỏ). Một số tài liệu cho rằng thực chất chúng là đá bazan chưa bão hòa silica.

Về hóa học, đá basanit chứa hàm lượng silica thấp (từ 42% đến 45% SiO2) và chất kiềm cao (từ 3% đến 5,5% Na2O và K2O) so với bazan. Vì thế, chúng còn có tên là bazan kiềm.

So với các loại đá bazan khác, Basanite giàu thành phần kiềm hơn, phù hợp với bảng phân loại TAS.

Đá Basanit được phát hiện thấy trên hầu hết các lục địa và trên các đảo thuộc đại dương. Tuy nhiên, những nơi dễ bắt gặp loại đá này là khu vực có núi lửa và xung quanh vành đai cung núi lửa.

Khối lượng bazan lớn nhất hiện nay được tạo bởi "lũ" bazan trên đất liền tại các khu vực như British Columbia tại Canada, cao nguyên Sông Columbia tại Washington (Mỹ) và Oregon, Deccan tại Ấn Độ,…

Tên của loại đá này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là "Basanos" cũng có nghĩa là đá thử vàng (đá chạm), được sử dụng để kiểm nghiệm kim loại quý hợp kim.

Đá chạm được sử dụng trong thời kỳ Harappah của nền Văn minh Thung lũng Indus vào năm 2600 - 1900 trước Công nguyên để kiểm tra độ tinh khiết của kim loại mềm. Nó cũng được sử dụng ở Hy Lạp cổ đại.