Nhật Bản phóng thành công tàu đổ bộ Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Phóng tàu đổ bộ thành công, Nhật Bản đứng trước cơ hội trở thành quốc gia thứ 5 hạ cánh được phương tiện lên Mặt Trăng, bên cạnh Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhật Bản phóng thành công tàu đổ bộ Mặt Trăng - 1

Nhật phóng thành công tên lửa H2-A đưa tàu đổ bộ SLIM lên Mặt Trăng (Ảnh: JAXA).

Vào lúc 6h42 sáng nay theo giờ Việt Nam, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã phóng thành công tàu đổ bộ Thông minh Điều tra Mặt Trăng (SLIM) cùng kính viễn vọng không gian XRISM.

Buổi phóng được thực hiện tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, một hòn đảo cách tỉnh Kyushu khoảng 40 km về phía nam. Theo JAXA, thời gian đổ bộ của tàu SLIM dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 4 - 6 tháng kể từ bây giờ.

Trong sứ mệnh này, tàu đổ bộ sử dụng tên lửa H2-A do Nhật sản xuất, tiến đến Mặt Trăng và hạ cánh xuống vị trí được chỉ định. Đó là miệng hố Shioli, có đường kính khoảng 0.27 km.

Tại đây, tàu đổ bộ sẽ tiến hành kiểm tra môi trường xung quanh, thực hiện một số nghiên cứu khoa học trong phạm vi khoảng 300 mét tại 13 độ vĩ nam, 25 độ kinh đông.

Ngoài ra, tên lửa cũng mang theo vệ tinh Quang phổ và Chụp ảnh Tia X (XRISM). Đây là vệ tinh do JAXA, NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cùng phát triển, được thiết kế để nghiên cứu quá trình vũ trụ tiến hóa.

Nhật Bản phóng thành công tàu đổ bộ Mặt Trăng - 2

Thiết kế của tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM (Ảnh: JAXA).

Sứ mệnh của Nhật Bản thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong bối cảnh một quốc gia châu Á khác là Ấn Độ vừa thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ lịch sử lên cực nam của Mặt Trăng hôm 23/8.

Nếu SLIM hạ cánh an toàn, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ 5 làm được điều này sau Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Sứ mệnh cũng sẽ nâng tầm vị thế của Nhật Bản trong các hợp tác quốc tế, giống như cách đã làm với Ấn Độ.

Như vậy, 2023 có thể là năm lịch sử trong ngành hàng không vũ trụ, khi thế giới ghi nhận thêm 2 quốc gia xuất hiện với tư cách là một cường quốc không gian.

Tại thời điểm hiện nay, JAXA đã là đối tác của NASA trong Hiệp định Artemis, cũng như vô cùng tích cực tham gia vào các nỗ lực nhằm thiết lập chuẩn mực hòa bình trong không gian.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xác nhận Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các sứ mệnh Mặt Trăng sắp tới NASA, còn gọi là Artemis.

Nhật Bản phóng thành công tàu đổ bộ Mặt Trăng - 3

Mặt Trăng đang là điểm đến hấp dẫn của các sứ mệnh không gian được thực hiện trong năm 2023 (Ảnh minh họa: Getty).

Dẫu vậy, hạ cánh phương tiện trên Mặt Trăng luôn là một thử thách khó khăn. Không phải ngẫu nhiên mà đến nay, chỉ có một số lượng nhỏ các quốc gia làm được điều này.

Trước khi thành công với Chandrayaan-3, Ấn Độ từng thất bại trong nỗ lực hạ cánh lên Mặt Trăng vào năm 2019 với sứ mệnh Chandrayaan-2 do trục trặc phần mềm.

Gần đây nhất, tàu đổ bộ Luna-25 của Nga cũng gặp sự cố, để rồi đâm thẳng vào bề mặt Mặt Trăng và sứ mệnh thất bại.

Được biết, đây là nỗ lực thứ 2 của Nhật Bản trong những tháng gần đây nhằm đưa phương tiện lên bề mặt Mặt Trăng.

Đầu năm nay, tàu vũ trụ Hakuto-R do công ty ispace có trụ sở tại Nhật Bản, cũng đã va vào vành đai miệng núi lửa Mặt Trăng trong quá trình hạ cánh, dẫn tới sứ mệnh thất bại.

Việc phóng dành cho SLIM cũng đã bị trì hoãn nhiều lần do thời tiết xấu, với lần gần đây nhất là vào ngày 28/8.