Nhà máy Điện Mặt trời Dầu Tiếng có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á đi vào hoạt động
(Dân trí) - Cụm Nhà máy Điện Mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại, với tổng mức đầu tư khoảng 9,1 nghìn tỷ đồng, được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, diện tích 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW đã chính thức đi vào hoạt động.
Sáng 7/9, tại huyện Tân Châu, Tây Ninh đã diễn ra lễ khánh thành cụm Nhà máy Điện Mặt trời Dầu Tiếng: DT1 và DT2. Tham dự sự kiện quan trọng này có Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, cùng các cấp lãnh đạo của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành khác như TP. HCM, Bình Dương, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Hưng Yên, Bình Định...
Nhà máy Điện Mặt trời Dầu Tiếng là dự án hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan). Dự án được khởi công vào cuối tháng 6/2018. Sau gần 1 năm thi công xây dựng và lắp đặt, cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng: DT 1 và DT2 đã chính thức đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019. Cụm Nhà máy là giai đoạn đầu của tổ hợp các Nhà máy Điện mặt trời mà Công ty TNHH Xuân Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia với tổng công suất 2000 MW.
Cụm Nhà máy DT1 và DT2 đi vào hoạt động sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688 triệu kWh mỗi năm. Ước tính, bằng khoảng mức tiêu thụ điện hàng năm của gần 320.000 hộ gia đình Việt Nam.
Tham gia thực hiện Dự án có gần 1.000 cán bộ, kỹ sư và công nhân của Chủ đầu tư, và các nhà thầu trong nước và quốc tế.
Hệ thống trạm biến áp của nhà máy Điện Mặt trời Dầu Tiếng,
Cụm Nhà máy điện mặt trời đã được tính toán, thiết kế để tối ưu hóa hiệu quả giữa chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành bảo dưỡng và sản lượng điện sản sinh hành năm thông qua các thông số thiết kế như góc nghiêng của tấm pin để nhận ánh nắng mặt trời, khoảng cách giữa các chuỗi, hàng và số cụm… Gần 1.300.000 tấm pin năng lượng mặt trời với công nghệ quang điện loại silic đa tinh thể có hiệu suất cao đã được lựa chọn để lắp đặt. Kết cấu chắc chắn với khoảng gần 200.000 cọc bê tông cốt thép và trên 20.000 dàn khung thép mạ kẽm được lắp dựng để gắn kết các tấm pin năng lượng mặt trời.
Hệ thống cáp, bộ biến đổi điện, biến áp nâng áp và hệ thống phụ trợ được đầu tư xây dựng mang tính hiện đại, đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa Nhà máy với trạm biến áp 220kVvà lưới điện khu vực mang đến khả năng vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả cho Nhà máy và hệ thống điện quốc gia.
Quang cảnh nhà máy Điện Mặt trời Dầu Tiếng.
Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Thái Lan trong ngành công nghiệp điện mặt trời nói riêng và năng lượng nói chung.
Ông cũng cho rằng, cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng khi đi vào vận hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cung ứng một nguồn điện xanh cho phát triển kinh tế không chỉ đối với tỉnh Tây Ninh mà còn cho cả Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, cũng khai mở được tiềm năng sử dụng hiệu quả để tối ưu hóa lợi ích của việc sử dụng vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Dự án tạo đòn bẩy, lan tỏa trong chủ trương kêu gọi và thu hút đầu tư vào tỉnh Tây Ninh, đặc biệt đối với các dự án chú trọng tới phát triển bền vững.
Trưởng Ban kinh tế Trung ương đề nghị Bộ Công thương quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp để Nhà máy Điện Mặt trời Dầu Tiếng hoạt động hiệu quả sau khi kết nối đồng bộ với mạng lưới điện quốc gia. Ông cũng đề nghị các nhà đầu tư khi vận hành thì đặc biệt lưu ý đến vấn đề môi trường.
Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, Nhà máy Điện Mặt trời Dầu Tiếng đi vào hoạt động sẽ là mô hình điểm trong việc các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bắt tay với nhau. Thông qua đó sẽ để cho các địa phương khác, Chính phủ, các Bộ ngành đưa ra các chính sách phù hợp với sự phát triển chúng.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp đầu tư vào điện năng lượng mặt trời tham gia đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia một cách an toàn, có hiệu quả.
Ông Phạm Văn Tân – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ thêm, Tây Ninh là một trong số các tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo trong cả nước, đặc biệt là năng lượng điện mặt trời với cường độ bức xạ nhiệt cao, nhất là tại khu vực đất bán ngập của Hồ Dầu Tiếng. Với diện tích trên 20.000 ha đất bán ngập, thuộc 02 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu là nơi giàu tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời trong hiện tại và tương lai. Trên cơ sở quy hoạch điện và chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 10 dự án điện mặt trời (Trong đó có 6 dự án trong khu vực đất bán ngập Hồ Dầu Tiếng) với tổng công suất của 10 dự án là 808 MW, tổng vốn đầu tư 21.460 tỷ đồng và đến nay đã có 9/10 dự án hoàn thành đi vào hoạt động và phát điện thương mại với tổng công suất là 668 MW.
Cụm Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp cho ngân sách của địa phương, và tham gia tích cực trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính – tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Với quy mô công suất điện của cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng DT1 và DT2, chiếm khoảng gần 10% tổng công suất các Nhà máy điện mặt trời của Việt Nam thì lượng giảm phát thải khí nhà kính mỗi năm của Dự án tương đương 595.000 tấn CO2.
Nguyễn Hùng