1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nhà khảo cổ học nghiệp dư giải mã hệ thống "chữ viết" từ Kỷ Băng hà

Phạm Hường

(Dân trí) - Các di tích trong các hang động có thể chứa đựng những hệ thống "chữ viết" xuất hiện từ cách đây ít nhất 10.000 năm.

Nhà khảo cổ học nghiệp dư giải mã hệ thống chữ viết từ Kỷ Băng hà - 1

Hang ở Lascaux, Pháp. Một số kí hiệu được vẽ để lưu lại vòng đời của các loài vật. Ảnh: Patrick Aventurier/Getty.

Một nhà khảo cổ học nghiệp dư đã phát hiện ra một hệ thống chữ viết nguyên thủy của những người săn bắt hái lượm sống vào Kỷ Băng hà. Nhà khảo cổ học này đã kết luận những ký hiệu 20.000 năm tuổi này là một dạng Âm lịch.

Nghiên cứu cho thấy các bức vẽ trong hang không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là cách ghi lại thông tin về thời điểm và chu kỳ sinh sản của động vật.

Nhà khảo cổ học người Anh, ông Ben Bacon, đã dành rất nhiều thời gian để giải mã hệ thống "chữ viết sơ khai" này, mà ông cho là một trong những hệ thống lưu trữ có từ ít nhất 10.000 năm trước. Ông đã trao đổi với một nhóm chuyên gia có uy tín về nhận định của mình và họ khuyến khích ông tiếp tục tìm hiểu, mặc dù ông chỉ là một nhà khảo cổ học không chuyên.

Ông đã hợp tác với một nhóm nghiên cứu, trong đó có hai giáo sư của Trường đại học Durham và một giáo sư Trường đại học London, Anh, để viết một bài đăng trên Tạp chí Khảo cổ học Cambridge.

Giáo sư Paul Pettitt, nhà khảo cổ học ở Trường đại học Durham, cho biết ông rất tán thành khi nhà khảo cổ học Bacon liên lạc với ông về việc này. Các kết quả tìm hiểu của ông Bacon cho thấy những người săn bắt hái lượm sống ở Kỷ Băng hà là những người đầu tiên sử dụng một loại lịch có hệ thống và các ký hiệu ghi lại thông tin về các sự kiện sinh thái quan trọng được thể hiện trong hệ thống lịch đó.

Các hình vẽ trong hang được tìm thấy ở khắp châu Âu về các loài vật như hươu, cá và hai giống bò rừng hiện đã tuyệt chủng là bò rừng auroch và bò rừng bison. Bên cạnh những hình vẽ này, các chuỗi kí hiệu dấu chấm và các dấu hiệu khác cũng được tìm thấy ở hơn 600 hình vẽ thuộc Kỷ Băng hà trong các hang động và các đồ vật khác. Các nhà khảo cổ học từ lâu đã tin rằng những dấu hiệu này có ý nghĩa nhưng chưa ai giải mã được.

Ông Bacon đã quyết định sẽ thực hiện công việc này. Ông tìm hiểu các nghiên cứu trước đây và các hình ảnh chụp lại các hình vẽ trong hang được lưu trữ ở Thư viện Anh, cùng với việc tìm kiếm các mẫu hình được tái hiện ngày nay và vô cùng kinh ngạc khi nhận ra những gì mà người xưa đã ghi lại từ cách đây 20.000 năm.

Dựa trên chu trình sinh sản của các loài vật còn tồn tại cho đến ngày nay, nhóm nghiên cứu đã suy luận ra số lượng ký hiệu liên quan đến động vật Kỷ băng hà chính là ghi chép về thời điểm giao phối của chúng theo mùa trăng. Họ cho rằng ký hiệu giống hình chữ "Y" có nghĩa là "sinh nở".

Giáo sư Pettitt đánh giá "chúng ta có thể nói rằng những người cổ đại này, những người đã để lại di sản nghệ thuật đặc biệt trong các hang động ở Lascaux và Altamira, cũng đã để lại một tập hợp ghi chép về lịch thời gian sơ khai mà về sau trở nên phổ biến trong xã hội loài người."

Vì các ký hiệu này được cho là ghi lại thông tin dưới dạng số đếm chứ không phải ghi lại lời nói nên chúng không được coi là "chữ viết" theo nghĩa là chữ viết tượng hình hay chữ nêm xuất hiện ở Sumer (vùng Lưỡng Hà, ngày nay là Iraq) vào khoảng 3.400 năm trước Công nguyên, mà được xếp loại là một hệ thống "tiền thân của chữ viết".

Ông Bacon cho biết khám phá ra ý nghĩa của những bức hình này khiến nhóm nghiên cứu cảm thấy gần gũi hơn rất nhiều với người xưa. Ông nói "khi chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về thế giới của họ, chúng tôi nhận ra rằng tổ tiên xa xưa giống với chúng ta hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng."

Các phát hiện này đã khích lệ nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của các ký hiệu khác được tìm thấy trên các hình vẽ trong hang động. Ông Bacon nói rằng "chúng tôi hy vọng, và công việc ban đầu đang tiến triển rất tốt, là sẽ tiếp tục giải mã được hệ thống tiền thân của chữ viết này để có thể hiểu biết nhiều hơn về những thông tin mà tổ tiên của chúng ta coi trọng".