Nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ được sử dụng không đúng mục đích
(Dân trí) - Theo báo cáo của Đoàn giám sát - Ủy ban thường vụ Quốc hội thì nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN trung ương cân đối cho các địa phương thiếu và được sử dụng không đúng mục đích.
Minh chứng cho vấn đề này, Đoàn giám sát cho hay: Giai đoạn 2011-2016 sử dụng đúng mục đích khoảng 63%, khoảng 37% không được sử dụng đúng cho mục đích đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN. Nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN từ ngân sách nhà nước (NSNN) mới chỉ đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu thực tế của các địa phương.
Cũng theo báo cáo của Đoàn giám sát, khả năng cân đối của NSNN chưa đáp ứng được nhu cầu vốn về phát triển KH&CN. Chỉ tính riêng năm 2014, số kinh phí thiếu hụt so với nhu cầu tập trung vào kinh phí sự nghiệp KH&CN của khối các bộ, ngành trung ương so với đề xuất của Bộ KH&CN là 1.465 tỷ đồng.
Cơ cấu và tỷ lệ chi NSNN còn nhiều bất hợp lý giữa chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp; giữa trung ương và địa phương; tỷ lệ nhiệm vụ áp dụng cơ chế khoán rất thấp, đặc biệt đối với các nhiệm vụ cấp Bộ và cấp tỉnh.
Việc phân bổ NSNN cho KH&CN địa phương còn mang tính chất dàn đều, phân chia; chưa dựa trên nhu cầu, hiệu quả hoạt động; chưa mang tính liên kết giữa các địa phương trong phát triển và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng; chưa bám sát chiến lược phát triển KT-XH của địa phương và vùng.
Bên cạnh đó, chưa thực sự huy động được có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Việc hình thành và sử dụng các quỹ trong lĩnh vực KH&CN còn chậm và gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy tốt vai trò của các Quỹ KH&CN (Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các Quỹ KH&CN của doanh nghiệp). Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa hình thành và sử dụng được các quỹ này.
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN từ trung ương (Bộ KH&CN) đến địa phương (Sở KH&CN) chưa thực sự được phát huy và coi trọng trong phân bổ, sử dụng NSNN cho KH&CN. Cơ chế phối hợp trong lập dự toán, phân bổ NSNN giữa các cơ quan ở trung ương và giữa các cơ quan trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, nhất là về phần vốn đầu tư phát triển, chưa có sự chủ động thống kê, phối hợp, hướng dẫn từ phía các Bộ có liên quan (Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT). Vai trò của Sở KH&CN trong công tác tham mưu, đề xuất cho UBND cấp tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển KH&CN, lập danh mục chi đầu tư phát triển KH&CN chưa thực sự được phát huy.
Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì?
Trong buổi họp báo quý thường kỳ của Bộ KH&CN ngày 6/10, vấn đề sử dụng ngân sách không đúng mục đích được báo chí đặc biệt quan tâm đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ KH&CN. Vậy Bộ KH&CN nói gì về việc này?
Ông Bùi Thế Duy – Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ KH&CN cho biết: Ngân sách cho KH&CN dự kiện phân bổ 2% tổng chi của Nhà nước. Việc sử dụng không hết là do tính đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ các đề tài. Kinh phí cấp cho các đề tài có thể kéo dài từ 2-3 năm, trong đó có cơ chế là không phải tiêu theo năm tài chính mà được kiểm tụ theo thời gian của đề tài. Như vậy dự kiến kinh phí phân bổ cho các đề tài, dự án của năm đó có thể chuyển tiếp sang các năm tiếp theo để tạo thuận lợi cho các nhà khoa học.
“Nếu tính toán theo phương thức hàng năm thì sẽ có phần kinh phí chuyển tiếp sang và chúng ta nghe chừng có vẻ không tiêu hết” – ông Duy nói.
Về việc Đoàn giám sát cho rằng có một số đơn vị tiêu sai mục đích, ông Duy chia sẻ: Nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển KH&CN sử dụng không đúng mục đích thì có thể do các địa phương có những nhiệm vụ cấp thiết hơn thì người ta chuyển phần kinh phí đó sang những nhiệm vụ cấp thiết hơn. Ví dụ như là phát triển hạ tầng…
Trước thông tin có tình trạng lãng phí, ông Duy bày tỏ: Trong báo cáo 10 năm về hoạt động khoa học và công nghệ thì Bộ KH&CN cũng đã thừa nhận là chúng ta chưa đạt được hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng kinh phí, trong đó có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như, kết quả của các đề tài nghiên cứu chưa đi vào cuộc sống thì có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân mà OECD và Wonbank đã đánh giá đó là liên quan đến việc trình độ hấp thụ công nghệ của các đơn vị ứng dụng (các doanh nghiệp) vẫn còn hạn chế. Kể cả kết quả nghiên cứu mới nhất của thế giới cũng như công nghệ mới nhất của thế giới áp dụng vào còn rất hạn chế chứ không chỉ riêng gì kết quả nghiên cứu ở trong nước.
Nguyễn Hùng