Người phụ nữ mắc căn bệnh cực hiếm có tên "Lửa thánh" thời trung cổ

Trang Phạm

(Dân trí) - Theo báo cáo trên Tạp chí Y học New England, một phụ nữ đã được chẩn đoán mắc một căn bệnh thời trung cổ cực hiếm được gọi là "Lửa thánh" hay "Lửa St Anthony", sau khi trải qua cơn đau rát ở chân.

Người phụ nữ mắc căn bệnh cực hiếm có tên Lửa thánh thời trung cổ - 1

Hình ảnh chân bệnh nhân nữ trước và sau khi được truyền chất làm loãng máu.

Hồ sơ bệnh án cho biết, bệnh nhân là một cô gái 24 tuổi đến một phòng khám ngoại trú hai ngày sau khi cô bắt đầu cảm thấy nóng rát ở cả hai chân kéo dài từ ngón chân đến giữa đùi. Đôi chân cô cũng bị đổi màu và gặp khó khăn khi đi lại.

Khi các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm thấy chân cô gái có dấu hiệu bị lạnh khi chạm vào và họ không thể cảm thấy mạch đập trong các động mạch bàn chân.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy có dấu hiệu hẹp động mạch, sau đó cô được truyền chất làm loãng máu - heparin. Cơn đau ở chân được cải thiện và chân cô gái đã ấm hơn khi lưu lượng máu tăng lên. Tuy nhiên thật không may, một trong những ngón chân của cô đã phải cắt bỏ do hoại thư.

Vấn đề đáng quan tâm hơn nữa đó là bệnh của cô phổ biến hơn nhiều trong thời trung cổ so với ngày nay. Cô gái đã được chẩn đoán mắc chứng ergotism, một căn bệnh gây ra do nuốt quá nhiều nấm cựa gà.

Thường thì căn bệnh này do nấm Claviceps purpurea gây ra ở lúa mạch đen bị nhiễm bệnh và các loại ngũ cốc chính khác ở lục địa châu Âu. Bệnh gây ra hoại thư thông qua lưu lượng máu bị hạn chế, bong tróc da, các triệu chứng co giật như co giật đau đớn, cũng như hưng cảm và rối loạn tâm thần.

Các tài liệu tham khảo về sự bùng nổ của căn bệnh này được biết đến trong lịch sử liên quan đến các nhà sư đặc biệt thành công trong việc điều trị nó từ năm 857 sau Công Nguyên khi một bệnh dịch lớn khiến nhiều người bị phồng rộp dẫn đến thối rữa chân tay.

Thậm chí còn có suy đoán cho rằng ergotism chịu trách nhiệm với sự bùng phát của "bệnh dịch nhảy múa", nơi một số lượng lớn người dân khắp châu Âu bắt đầu nhảy múa trên đường phố cho đến khi họ chết vì kiệt sức giữa thế kỷ XIV và XVII, mặc dù những lời giải thích khác như sự cuồng loạn hàng loạt và sự bùng nổ có dàn dựng cũng đã được nhắc đến.

Hiện tại, hai tuần sau khi điều trị và ngừng dùng thuốc, lưu lượng máu ở chân cô gái đã được cải thiện và có tiến triển tốt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm