Người ngoài hành tinh đang cố để liên lạc với con người?

(Dân trí) - 6 xung sóng vô tuyến đã được phát hiện từ chòm sao Auriga, mỗi xung chỉ kéo dài trong vài mili giây. Có thể nằm cách Trái đất tới 3 tỷ năm ánh sáng, nhưng dường như chòm sao xa xôi này đang cố liên lạc với chúng ta.

Trong khi nguồn gốc của những cơn sóng này còn chưa được biết rõ, một số người cho rằng luồng năng lượng huyền bí này có thể là dấu hiệu người ngoài hành tinh đang cố gắng liên lạc với chúng ta.


6 xung sóng vô tuyến đã được phát hiện từ chòm sao Auriga, mỗi xung chỉ kéo dài trong vài mili giây

6 xung sóng vô tuyến đã được phát hiện từ chòm sao Auriga, mỗi xung chỉ kéo dài trong vài mili giây

Các sóng này được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học McGill ở Montreal bằng kính thiên văn Green Bank ở Tây Virginia và tại Đài quan sát Arecibo Observatory ở Puerto Rico.

Trong bài báo được đăng tải trên tạp chí về thiên văn The Astrophysical Journal, các nhà nghiên cứu – do Paul Scholz làm trưởng nhóm – đã viết “chúng tôi đã phát hiện thêm 6 xung sóng vô tuyến: 5 bằng Kính thiên văn Green Bank ở tần số 2 GHz, và 1 bằng Đài quan sát Arecibo ở tần số 1,4GHz, cho tổng số 17 xung đã phát hiện từ nguồn này”.

Sự phát hiện 11 xung sóng trước đó cũng từ nguồn này đã được ghi lại và được gọi là FRB 121102.

Nhóm nghiên cứu không thể xác định vị trí chính xác của FRB 121102, tuy nhiên, dựa trên cách thức cụ thể mà các tần số thấp hơn dần chậm lại, chúng có thể tới từ một nơi rất xa, vượt xa ngoài thiên hà Ngân Hà. Và điều đó mang lại cho chúng ta một số manh mối khá quan trọng về nguyên nhân có thể gây ra sự kiện này.

Đây là trường hợp lặp lại duy nhất của xung sóng vô tuyến nhanh (FRB) – sự phát sóng vô tuyến xuất hiện tạm thời hoặc ngẫu nhiên.

Mặc dù đã có một số xung sóng vô tuyến nhanh từ khu vực này, nguồn gốc của các xung này vẫn là một câu đố kế tiếp đối với các nhà nghiên cứu.

Hiện nay, giả thuyết hàng đầu về nguồn gốc của các xung sóng vô tuyến nhanh này là do va chạm giữa 2 ngôi sao nơ-tron – thứ tạo thành lỗ đen. Có ý tưởng như vậy là do khi các va chạm này xảy ra, một lượng lớn năng lượng sóng vô tuyến ngắn sẽ bùng phát vào trong không gian.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng sự bùng phát lặp đi lặp lại này ám chỉ rằng dù bất kỳ điều gì gây ra các xung sóng vô tuyến này thì đó cũng không phải là 1 sự kiện chỉ xảy ra một lần giống như 1 vụ nổ hay va chạm.

Thay vào đó, họ cho rằng đó có nhiều khả năng là pháo sáng từ một ngôi sao nơ-tron trẻ - phần lõi còn lại sau khi một ngôi sao phát nổ.

Các nhà nghiên cứu cũng bổ sung: “cho dù FRB 121102 là đối tượng duy nhất trong các mẫu đã được biết đến về xung sóng vô tuyến nhanh, hoặc tất cả các xung sóng vô tuyến nhanh đều có khả năng lặp lại, đặc tính này cũng vô cùng quan trọng để hiệu được các quá độ vô tuyến thiên hà nhanh.

Trước đây, khi các sóng này được phát hiện, các nhà thiên văn cũng đã đề nghị SETI (Dự án Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất) quan sát gần hơn để xem liệu chúng có phải là một tin nhắn từ người ngoài hành tinh hay không.

Tuy nhiên, chưa rõ liệu lần này các nhà nghiên cứu của trường Mc Gill có đề nghị sự giúp đỡ từ SETI hay không.

Nhà khoa học Stephen Hawking cho rằng, nếu có bất kỳ một dạng sống thông minh ngoài hành tinh nào, chúng ta đang chơi một trò chơi nguy hiểm khi cố liên lạc với họ.

Nhà vật lý này tin tưởng, nếu người ngoài hành tinh phát hiện ra Trái đất, nhiều khả năng họ sẽ muốn chinh phục và xâm chiếm hành tinh của chúng ta “Nếu người ngoài hành tinh đến thăm Trái đất, kết quả có thể sẽ giống như khi Columbus đặt chân lên châu Mỹ - một điều không hay tẹo nào đối với người Mỹ bản địa”

Tuy nhiên, người đồng sáng lập và cũng là cựu giám đốc của viện SETI – Jill Tarter – không cho rằng trường hợp này sẽ như vậy. Bà lập luận rằng, bất kỳ người ngoài hành tinh nào có thể đi lại trên vũ trụ sẽ đủ thành thạo để trở nên thân thiện và hòa bình. Bà nói “tôi không cho rằng có nền văn minh nào tồn tại lâu dài hơn nhiều so với chúng ta mà lại hiếu chiến và hung hãn”

Xung sóng vô tuyến nhanh là gì?

Xung sóng vô tuyến nhanh (hay viết tắt là FRB từ tên tiếng Anh Fast Radio Bust) là các phát xạ vô tuyến xuất hiện tạm thời và ngẫu nhiên, khiến cho chúng không chỉ khó phát hiện mà còn rất khó để nghiên cứu.

Bí ẩn về FRB xuất phát về thực tế chưa được biết rõ về thứ gì có thể tạo ra một xung sóng ngắn và sắc nét như vậy.

Điều này khiến cho một số người tin rằng đó có thể là bất kỳ điều gì, từ va chạm giữa các ngôi sao cho đến thông điệp do các trí thông minh nhân tạo gửi ra.

Xung sóng vô tuyến nhanh được phát hiện – hay nói đúng hơn là “nghe thấy” – bởi kính thiên văn vô tuyến năm 2007.

Tuy nhiên, nó rất ngắn và dường như là ngẫu nhiên nên phải mất nhiều năm sau, các nhà thiên văn mới xác nhận đó không phải là do kính viễn vọng bị trục trặc.

Anh Thư (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm