Ngựa vằn đáp trả linh cẩu hòng thoát thân
(Dân trí) - Sự dẻo dai của ngựa vằn là một trong những yếu tố giúp chúng trở thành loài ăn cỏ có khả năng tự vệ tốt nhất trong tự nhiên.
Đoạn video được quay ở Khu bảo tồn Quốc gia Masai Mara (Nam Phi) cho thấy nỗ lực phi thường của một con ngựa vằn khi phải đối đầu với linh cẩu - kẻ đi săn nổi tiếng hung dữ và lì lợm nơi thảo nguyên.
Có thể thấy, con linh cẩu có một khởi đầu không thể thuận lợi hơn, khi ngoạm chặt vào đùi sau của ngựa, rồi cố gắng quật ngã con vật.
Nếu là một con linh dương, đòn tấn công này nhiều khả năng đã khiến nó ngã quỵ. Tuy nhiên, ý chí và sức kháng cự mạnh mẽ của ngựa vằn giúp nó đứng vững, dù đã chịu một vết thương khá nặng.
Ở một vị trí bất lợi, ngựa vằn cố gắng chống đỡ bằng cách ngoái đầu ra sau, rồi cắn vào lưng của linh cẩu.
Mặc dù điều này là chưa đủ để khiến kẻ đi săn bỏ cuộc, song nỗ lực của nó dường như khiến linh cẩu nới lỏng hàm răng, và không còn tạo ra sức ép đủ lớn.
Chớp lấy thời cơ, ngựa vằn vùng lên chạy nước kiệu, và dần thoát khỏi sự khống chế của đối phương.
Sự dẻo dai của ngựa vằn là một trong những yếu tố giúp chúng trở thành loài ăn cỏ có khả năng tự vệ tốt nhất trong tự nhiên. Tuy nhiên nếu nói về kỹ năng sinh tồn, không thể không nhắc tới những sọc đen trắng của chúng.
Theo một số nghiên cứu, các sọc này giúp các con ngựa vằn đơn độc ẩn mình tốt hơn trong bụi cỏ bằng cách phá vỡ cấu trúc hình thể của nó. Điều này khiến nhiều loài săn mồi như sư tử hay linh cẩu không thể nhìn rõ ngựa vằn ở một khoảng cách nhất định.
Nếu di chuyển theo đàn, những vằn sọc lại có một tác dụng khác, khi giúp ngựa vằn tạo ra hiệu ứng "ảo ảnh", gây nhầm lẫn cho những kẻ quan sát, và khó khăn để lựa chọn mục tiêu.
Đối với cơ thể ngựa vằn, những vằn sọc còn được sử dụng để làm mát cơ thể chúng dưới cái nắng chói chang. Nguyên nhân là bởi không khí di chuyển nhanh hơn qua những sọc đen hấp thụ ánh sáng, nhưng lại di chuyển chậm hơn qua những sọc trắng.
Điều này tạo ra một dòng đối lưu xung quanh, giúp ngựa vằn cảm thấy mát mẻ hơn. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng ngựa vằn càng có nhiều sọc thường sống trong môi trường nóng hơn.
Điều đáng buồn là cuộc sống hiện đại của con người đang là yếu tố gây tác động lớn đến quần thể ngựa vằn, khi chúng đã và vẫn đang bị săn bắn để lấy da, thịt. Tại một số vùng đồng quê, ngựa vằn còn cạnh tranh thức ăn với vật nuôi, gia súc nên đôi khi bị giết vì lý do này.
Trong đó, cá biệt loài ngựa vằn núi Cape đã bị săn bắn đến mức gần như tuyệt chủng, với chỉ ít hơn 100 cá thể tính đến thập niên 1930. Nhờ những nỗ lực bảo tồn, quần thể này đã tăng lên khoảng 700 cá thể, nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao.