Ngư long cổ đại là một trong những sinh vật lớn nhất từng tồn tại
(Dân trí) - Theo một phát hiện hóa thạch mới, loài bò sát biển với kích cỡ của cá voi – ngư long từng bơi gần bờ biển Anh trong khi khủng long đi lại trên mặt đất.
Xương hàm, được tìm thấy trên một bãi biển Somerset, đưa ra bằng chứng cho “những người khổng lồ cuối cùng” từng tung hoành trên đại dương 205 triệu năm trước.
Khúc xương dài một mét là từ mồm một con ngư long ăn thịt khổng lồ.
Các nhà khoa học cho biết, sinh vật này sẽ là một trong những loài lớn nhất từng được biết đến, chỉ sau cá voi xanh và khủng long.
Xương hàm cổ đại được nhà sưu tầm hóa thạch Paul de la Salle tìm thấy gần ngôi làng Lilstock.
Đầu tiên ông nghĩ nó là một tảng đá nhưng sau khi quan sát một “cấu trúc xương và rãnh” khác biệt, ông nhận ra đó có lẽ là xương của một con ngư long.
Dean Lomax, một chuyên gia hàng đầu thế giới về ngư long thuộc Đại học Manchester, đã so sánh khúc xương này với các mẫu vật khác.
Nhà cổ sinh vật học phát biểu với BBC News: “Đó là một mảnh xương hàm lớn của một con ngư long. Chúng tôi rất bất ngờ khi nghĩ rằng một sinh vật biển với kích cỡ một con cá voi xanh đã bơi gần bờ biển Anh khoảng 200 triệu năm trước”.
Phát hiện, được đăng trên tạp chí PLOS One, cũng làm sáng tỏ một bí ẩn lâu đời khác. Năm 1850, một khúc xương lớn được tìm thấy ở Vách Aust dưới Cầu Severn ở Gloucestershire. Các nhà khoa học không thể tìm hiểu liệu hóa thạch và vài khúc xương lớn khác được tìm thấy tại địa điểm đó là của một con khủng long hay một loài bò sát bí ẩn.
Hai chuyên gia hóa thạch tin rằng những khúc xương ở Vách Aust cũng là xương hàm từ một con ngư long khổng lồ, trước đây chưa được công nhận.
Dean Lomax cho hay: “Mỗi hóa thạch đều có một câu chuyện. Nó cho thấy có những thứ như thế này chỗ khác – hi vọng sẽ tìm được đủ bộ xương của một con ngư long”.
Xương hàm từ ngôi làng ở Lilstock - Ảnh PLOS ONE/Lomax.
Trong suốt thời kì khủng long, đại dương là nhà của nhiều loài ngư long.
Chúng xuất hiện ở Kỷ Triat, phát triển rực rỡ nhất vào Kỷ Jura, sau đó biến mất ở Kỷ Phấn Trắng – vài triệu năm trước khi những con khủng long cuối cùng tuyệt chủng.
Ngư long thuộc số những bộ xương đầu tiên được phát hiện bởi những người săn lùng hóa thạch ban đầu, vào lúc mà lí thuyết tiến hóa và các khái niệm địa chất học mới bắt đầu hình thành.
Nhà săn lùng hóa thạch Mary Anning đã phát hiện ra hóa thạch hoàn chỉnh đầu tiên của một con ngư long ở vách đá gần Lyme Regis, Dorset, năm 1810.
Phát hiện của bà làm rung chuyển cả giới khoa học và đã cung cấp bằng chứng cho những ý niệm mới về lịch sử Trái Đất.
Lộc Xuân (Theo BBC News)