1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ngoạm trúng cổ ngựa vằn, sư tử háu đói vẫn thảm bại ê chề

Minh Khôi

(Dân trí) - Sự ngoan cường của ngựa vằn khiến chúng ta kinh ngạc trước cách nó thoát khỏi nanh vuốt của con sư tử háu đói.

Ngoạm trúng cổ ngựa vằn, sư tử háu đói vẫn thảm bại ê chề

Một video ngắn ghi lại khoảnh khắc chạm trán đầy kịch tính giữa sư tử và ngựa vằn. Trong đoạn video, có thể thấy con ngựa vằn đang mải mê gặm cỏ, thì bất ngờ một con sư tử đã âm thầm tiến đến sát cạnh bên mà không hề hay biết.

Ở khoảnh khắc quyết định, sư tử nhảy chồm lên lưng ngựa vằn, ngoạm cổ, và dùng móng vuốt của nó để ghì con vật tội nghiệp xuống đất.

Tuy nhiên, ngựa vằn cho thấy sức mạnh và sự dẻo dai đáng kinh ngạc, khi không những không ngã quỵ, mà còn liên tiếp nhảy chồm lên với hy vọng sẽ hất văng được kẻ địch.

Khi chiến lược này không thành công, ngựa vằn chạy một mạch về phía trước, kéo lê theo con sư tử đang đeo bám dai dẳng trên cổ.

Thế nhưng trong lúc hoảng loạn, ngựa vằn bất chợt vấp phải chính sư tử và ngã lộn vòng xuống đất.

Tưởng như đây sẽ là cái kết của con ngựa vằn dũng cảm, khi nó không thể trụ vững trên mặt đất, thì may mắn rằng sư tử cũng đã đuối sức.

Trong một khoảnh khắc bất cẩn, sư tử để ngựa vằn vùng lên, thoát khỏi sự kiềm chế và nhanh chóng tận dụng thời cơ để chạy thoát trong gang tấc.

Sư tử vội vàng sửa sai bằng cách cố níu lấy con mồi. Thế nhưng khi ngựa vằn đã đạt được vận tốc cần thiết, sẽ là quá khó để có thể bắt kịp loài vật này.

Trong tự nhiên, ngựa vằn có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 68km/h, trong khi sư tử chỉ là 57km/h. Thế nhưng nếu xét về gia tốc tối đa, ngựa vằn thấp hơn rõ rệt khi chỉ là 18 km/h so với 34km/h.

Do đó, sư tử thường có lợi thế hơn ở các đường chạy nước rút, hay lúc nó vừa mới tiếp cận con mồi. Thế nhưng nếu để cuộc rượt đuổi kéo dài, ngựa vằn sẽ chiếm lợi thế nhờ tốc độ và sự dẻo dai của mình.

Theo phân tích, một con sư tử có khoảng 6 giây để gây bất ngờ cho một con ngựa vằn, tính từ khi nó bắt đầu tấn công. Trong khoảng thời gian này, sư tử sẽ cố gắng nhảy lên lưng hoặc vồ lấy ngựa vằn từ phía sau, rồi làm nó ngã quỵ xuống đất.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy rằng ngựa vằn không chỉ thoát khỏi sư tử bằng tốc độ đơn thuần mà bằng cách liên tục đổi hướng chạy, đặc biệt là khi kẻ săn mồi ở rất gần.

Bên cạnh đó, ngựa vằn còn một "vũ khí bí mật", đó là cú đá hậu bằng hai chân sau với lực cực mạnh, có thể làm bể quai hàm của một con thú săn mồi nếu chúng dại dột đứng trong tầm chân.