Nghiên cứu cho thấy trẻ béo phì có khoảng 35-40% được kế thừa từ cha mẹ
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới do Trường Đại học Sussex đứng đầu đã cho thấy, có khoảng 35-40% những đứa trẻ béo phì có chỉ số BMI cao được thừa hưởng từ bố mẹ của mình.
BMI (chỉ số khối cơ thể) chính là chỉ số cơ thể được các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe sử dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bị béo phì, thừa cân hay quá gầy hay không. Thông thường, người ta dùng để tính toán mức độ béo phì.
Đối với hầu hết những trẻ béo phì, kích thước cơ thể tăng đến 55-60% và hơn một nửa có khuynh hướng béo phì được xác định là do di truyền và môi trường gia đình.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các dữ liệu về chiều cao và trọng lượng của 100.000 trẻ và bố mẹ của chúng sống ở 6 quốc gia đó là Vương quốc Anh, Mỹ, Trung Quốc, Inđônêxia, Tây Ban Nha và Mexico. Từ các nghiên cứu dữ liệu này, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy rằng chỉ số khối cơ thể BMI trung bình của mỗi đứa trẻ là 20% do mẹ và 20% là do bố.
Theo giáo sư Peter Dolton, Trường Đại học Sussex, và là người đứng đầu nghiên cứu cho biết, các mô hình kết quả đều nhất quán giữa tất cả các nước, và không phân biệt quốc gia có nền kinh tế phát triển, mức độ công nghiệp hóa, hoặc có nền kinh tế điền hình. Các minh chứng được lấy từ các dữ liệu của khắp nơi trên thế giới cùng với nhiều mẫu khác nhau về dinh dưỡng và béo phì - từ một trong số những người bị béo phì nhất đó là Hoa Kỳ đến hai trong số các nước béo phì nhất thế giới đó là Trung Quốc và Inđônêxia.
“Kết quả này rất quan trọng bởi nó cho phép chúng ta hiểu biết rõ về cách thức béo phì được di truyền qua nhiều thế hệ ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Chúng tôi nhận thấy quá trình di truyền qua nhiều thế hệ là giống nhau ở tất cả các quốc gia khác nhau”, giáo sư nhấn mạnh.
Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Economics and Human Biology.
Nghiên cứu này cũng cho thấy làm thế nào những tác động của chỉ số BMI của cha mẹ lên chỉ số BMI của con cái. Từ tất cả các nghiên cứu tổng quát và có tính nhất quán, nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện thấy khả năng “tác động của cha mẹ” là thấp nhất ở những đứa trẻ gầy nhất và cao nhất đối với hầu hết những đứa trẻ béo phì. Đối với đứa trẻ gầy nhất, chỉ số BMI là 10% do mẹ và 10% do cha của chúng. Còn đối với những đứa trẻ béo nhất, sự di truyền này là gần 30% do cả bố và mẹ
“Điều này cho thấy, con cái của cha mẹ béo phì có nhiều khả năng bị béo phì khi chúng lớn lên - tác động của cha mẹ là hơn gấp đôi đối với những đứa trẻ bị béo phì nhất so với những đứa trẻ gầy. Những phát hiện này có tầm quan trọng sâu rộng đối với sức khỏe của trẻ em trên thế giới. Các kết quả làm cho chúng ta suy nghĩ lại về mức độ béo phì là kết quả của yếu tố gia đình, thừa kế gen di truyền”, giáo sư Dolton nói.
P.T.T-NASATI (Theo Medicalxpress)