Nga tạo ra hệ thống giám sát phóng xạ ở quỹ đạo Trái đất

(Dân trí) - Nga đã tạo ra một hệ thống giám sát bức xạ trong khoảng không gian gần Trái đất và sẵn sàng chia sẻ với châu Âu những dữ liệu nhận được, ông Mikhail Panasyuk, giám đốc Viện nghiên cứu vật lý hạt nhân mang tên D.Skobeltsyn cho Sputnik biết.

hat nhan.jpg

"Nga đã tạo ra hệ thống giám sát bức xạ trong không gian gần Trái đất ở các quỹ đạo khác nhau, từ tầng quỹ đạo thấp đến tầng địa tĩnh. Đây là một thành tựu lớn", ông Mikhail Panasyuk nói.

Theo ông, điều này đạt được nhờ việc bố trí các liều kế phóng xạ trên các tàu vũ trụ Nga đang thực hiện các chuyến bay trên các quỹ đạo khác nhau. Ví dụ, trên tàu quỹ đạo thấp Meteora-M, tàu quỹ đạo trung bình Glonass và tàu Electro-L bay ở tầng địa tĩnh, ông nói.

Các nhà khoa học Nga đã sẵn sàng trao đổi dữ liệu có trong tay với các đồng nghiệp châu Âu của mình, căn cứ trên thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai bên. Ở châu Âu, trong khuôn khổ dự án CRREAT do Liên minh châu Âu khởi xướng đang tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ không gian đối với các vật liệu sống và vật liệu không sống, cũng như bầu khí quyển Trái đất.

Trái đất có hai vành đai bức xạ ở độ cao 4 nghìn và 17 nghìn km. Hai lớp vành đai này bảo vệ Trái đất khỏi sự tấn công của các hạt tích điện nặng đến từ Mặt trời và Thiên hà.

M.P (Theo Sputnik)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm