1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nga phát triển công nghệ mới tạo ra mạch máu nhân tạo

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà khoa học từ Đại học Bách khoa Tomsk (TPU) mới đây tuyên bố đã phát triển một công nghệ mới để tạo ra các mạch máu nhân tạo giúp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính (DVT).

Nga phát triển công nghệ mới tạo ra mạch máu nhân tạo - 1

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là tình trạng cục máu đông (huyết khối) hiện diện trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra đau chân, nhưng thường xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể phát triển nếu ngồi một thời gian dài, chẳng hạn như khi đi du lịch bằng máy bay, tàu xe, hoặc liên quan đến một số vấn đề y tế khác dẫn đến hình thành cục máu đông.

Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp được đề xuất hiệu quả hơn, có chất lượng tốt hơn so với các phương pháp điều trị hiện tại và có giá thành rẻ hơn gần gấp đôi.

Nhu cầu đối với các mạch máu nhân tạo giúp ghép mạch máu hiện đang rất cao trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính. Nếu không thể khôi phục chức năng về mặt y tế hoặc phẫu thuật, khu vực bị ảnh hưởng sẽ được loại bỏ và thay thế bằng một mạch máu nhân tạo làm bằng hợp chất polycaprolactone hoặc một vật liệu tương thích sinh học khác.

"Ưu điểm chính với các mảnh ghép của chúng tôi là bề mặt bên ngoài của chúng được làm ướt bằng nước do đó cho phép chúng dễ dàng bén rễ trong cơ thể. Trong khi bề mặt bên trong, ngược lại không bị ướt (kỵ nước), do đó đảm bảo lưu lượng máu tối ưu", Evgeny Bolbasov, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm hệ thống Plasma Hybrid cho biết.

Theo các tác giả, phương pháp mới đồng thời cung cấp hai đặc điểm chính của ghép đó là tích hợp chất lượng cao của vật liệu với mô của bệnh nhân có độ kín cao.

"Sự độc đáo của công nghệ mới là nó rất đơn giản và rẻ hơn 90% so với các phương pháp hiện tại", Sergei Tverdokhlebov, người đứng đầu Phòng thí nghiệm hệ thống Plasma Hybrid, cho biết thêm.

Với các phương pháp hiện tại, các chế phẩm đắt tiền được sử dụng để cải thiện tỷ lệ sống sót của các mảnh ghép được cấy ghép. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng kết quả các đặc tính cơ học và chức năng của các sản phẩm vẫn còn một số vấn đề. Tuy nhiên, sản phẩm mới được phát triển của TPU không có những thiếu sót này.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu cùng với các chuyên gia của Viện nghiên cứu Tim mạch tại Trung tâm nghiên cứu y học quốc gia Tomsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, dự định sẽ tiến hành thử nghiệm các đặc tính y học và sinh học của các mảnh ghép phát triển trên mô sống.