1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nếu tiểu hành tinh không lao vào Trái Đất, liệu khủng long có tuyệt chủng?

Minh Khôi

(Dân trí) - Một nghiên cứu cho rằng ngay cả khi thiên thạch Chicxulub không lao vào Trái Đất, thì sự thống trị của khủng long cũng có thể chấm dứt bởi một loạt các sự tuyệt chủng khác diễn ra đồng thời.

Nếu tiểu hành tinh không lao vào Trái Đất, liệu khủng long có tuyệt chủng? - 1

Điều kiện khí hậu Trái Đất vô cùng không ổn định, với những mùa đông núi lửa lặp đi lặp lại và có thể kéo dài hàng thập kỷ trước khi loài khủng long tuyệt chủng (Ảnh: Getty).

Sự chấm dứt cho giai đoạn thống trị của loài khủng long là một trong những sự kiện tuyệt chủng đáng sợ và đáng chú ý nhất trong lịch sử hình thành Trái Đất.

Tuy nhiên bên cạnh giả thuyết chính được nhiều người tin tưởng - rằng khủng long tuyệt chủng do một thiên thạch va vào Trái Đất - vẫn còn một số gợi ý khác liên quan tới điều này.

Phân tích mới của một nhóm nghiên cứu đã bổ sung bằng chứng cho rằng Trái Đất trước vụ va chạm với tiểu hành tinh xảy ra không thực sự là một thế giới lý tưởng để sinh sống.

Trái lại, đây là một môi trường tương đối độc hại, với lượng lưu huỳnh trong khí quyển đạt đến mức tới hạn.

"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng một lượng lớn lưu huỳnh sinh ra từ hoạt động của núi lửa có thể gây ra sự xáo trộn nhiệt độ toàn cầu trong thời gian ngắn", Sara Callegaro, nhà địa chất học của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Để đưa ra lời khẳng định này, nhóm nghiên cứu đã áp dụng một kỹ thuật mới có thể đo được nồng độ lưu huỳnh trong khí quyển từ thời tiền sử.

Các mô hình tính toán cho thấy lượng phát thải lưu huỳnh kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ từ siêu núi lửa Deccan Traps của Ấn Độ đủ để làm thay đổi đáng kể khí hậu toàn cầu.

Cụ thể, chỉ riêng khu vực núi lửa này đã thải ra một lượng lưu huỳnh khổng lồ từ đá nóng chảy, lên tới 1 triệu km3.

Cùng với đó, sự hình thành dung nham chứa lưu huỳnh đậm đặc còn được ghi nhận từ khu vực Thakurvadi đến Bushe (Ấn Độ). Điều này trùng hợp với tình trạng khí hậu toàn cầu giảm nhiệt ở kỷ Phấn trắng, nhóm nghiên cứu lưu ý.

Tựu chung lại, nhiệt độ toàn cầu có thể đã giảm mạnh theo từng đợt, lên tới 10⁰C, trong vòng 100.000 năm trước khi thiên thạch Chicxulub đặt dấu chấm hết cho giai đoạn thống trị của khủng long.

"Nghiên cứu chứng minh rằng điều kiện khí hậu Trái Đất vô cùng không ổn định, với những mùa đông núi lửa lặp đi lặp lại và có thể kéo dài hàng thập kỷ trước khi loài khủng long tuyệt chủng", Don Baker, nhà địa hóa học của Đại học McGill, cho biết.

"Sự bất ổn này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của tất cả các loài thực vật và động vật, từ đó tạo tiền đề cho sự tuyệt chủng của loài khủng long".

Một bằng chứng khác là các mảnh xương hóa thạch và hàng nghìn tàn tích vỏ trứng của khủng long trong giai đoạn này. Chúng đều cho thấy sự suy giảm toàn cầu của các loài khủng long diễn ra trong suốt một thời gian dài, từ trước khi Trái Đất hứng chịu đòn tấn công chí mạng.

Như vậy có thể thấy rằng, ngay cả khi thiên thạch Chicxulub không lao vào Trái Đất, thì sự thống trị của khủng long cũng có thể chấm dứt bởi một loạt các sự tuyệt chủng khác diễn ra đồng thời.