NASA và nỗ lực duy trì "sự sống" cho tàu Voyager 2

Minh Khôi

(Dân trí) - Tàu Voyager 2 vẫn đang tiếp tục phá vỡ những kỷ lục sau gần nửa thập kỷ được đưa vào không gian, nhưng NASA lo sợ con tàu sẽ đối mặt tình trạng cạn kiện nguồn năng lượng.

NASA và nỗ lực duy trì sự sống cho tàu Voyager 2 - 1

Tàu thám hiểm Voyager 2 đã hoạt động 47 năm kể từ ngày phóng khỏi Trái Đất (Ảnh: NASA).

Tàu Voyager 2 được phóng vào không gian vào ngày 20/8/1977 và rời khỏi Hệ Mặt Trời vào ngày 5/11/2018. Hiện tại, nó đã rời xa Trái Đất ở khoảng cách kỷ lục 20,5 tỷ km, và đang sử dụng 4 thiết bị khoa học để nghiên cứu không gian sâu bên ngoài nhật quyển.

Tuy nhiên, con tàu đang gặp phải tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. NASA cho rằng Voyager 2 chỉ đủ năng lượng để duy trì 1 thiết bị khoa học cho đến năm 2030. Nhưng để làm được điều đó, NASA buộc phải tắt các thiết bị khác.

Được biết, các chuyên gia sứ mệnh đã cố gắng trì hoãn việc tắt thiết bị khoa học trên tàu muộn nhất có thể, vì Voyager 2 và Voyager 1 là hai tàu thăm dò duy nhất mà loài người có được ở vùng không gian giữa các vì sao. Điều này khiến mọi dữ liệu mà chúng thu thập được đều vô cùng quý giá.

Trong suốt hành trình phi thường của mình, cả hai tàu Voyager đều đã cung cấp cho nhân loại những quan sát về không gian vũ trụ chưa từng được khám phá.

Đến nay, 6 trong số 10 thiết bị ban đầu của tàu Voyager 2 đã bị vô hiệu hóa, và việc mất đi thiết bị thứ 7 là điều không thể tránh khỏi.

Theo báo cáo của NASA, thiết bị khoa học plasma của tàu đã được lựa chọn để ngừng hoạt động vào ngày 26/9 vừa qua.

Thiết bị này bao gồm 4 bộ phận thu thập thông tin về lượng plasma- một chất lỏng gồm các hạt điện tích. Nhiệm vụ của chúng là theo dõi các hạt tích điện có trong gió mặt trời khi ở trong nhật quyển, cũng như vùng không gian giữa các vì sao.

Nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sự sụt giảm các hạt tích điện từ Mặt Trời, tuy nhiên bắt đầu hoạt động kém hiệu quả khi tàu Voyager 2 vượt qua ranh giới của nhật quyển vào năm 2018.

Được biết, cả Voyager 1 và Voyager 2 đều được cung cấp năng lượng từ plutonium, nguyên tố phóng xạ với khả năng tạo ra năng lượng hạt nhân thông qua các phản ứng phân hạch.

Theo Scientific American, công suất năng lượng tạo ra bởi plutonium trên Voyager 1 và 2 chỉ bị giảm khoảng 4 W mỗi năm. Nhưng đến nay, chúng đã xuống tới mức rất thấp, và NASA buộc phải tiếp tục vô hiệu hóa các thiết bị khoa học khác.

Vào những năm 1980, một số thiết bị của tàu lần đầu tiên được tắt sau khi chúng hoàn thành nhiệm vụ khám phá các hành tinh khổng lồ của Hệ Mặt Trời. Đây cũng là yếu tố giúp cả 2 tàu thăm dò có thêm năng lượng, và gián tiếp làm tăng tuổi thọ của chúng.

Chiến lược này tiếp tục được NASA áp dụng vào những năm gần đây, khi hầu hết các thiết bị khoa học ít cần thiết trên tàu đều đã được tắt, nhằm tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có.

Tất cả để đảm bảo rằng tàu thám hiểm giữa các vì sao có thể cung cấp thông tin khoa học lâu nhất có thể từ nơi "biên giới cuối cùng" bên ngoài Hệ Mặt Trời.

Theo www.space.com