NASA sẵn sàng đưa máy bay trực thăng lên sao Hỏa

(Dân trí) - Xe tự hành Perseverance của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) với nhiệm vụ “Sao Hỏa 2020” đang gấp rút hoàn thiện các bước chuẩn bị cuối cùng để có thể bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 7/2020.

NASA sẵn sàng đưa máy bay trực thăng lên sao Hỏa - 1

Xe tự hành này là robot có công nghệ tiên tiến nhất mà NASA từng gửi lên hành tinh Đỏ. Xe mang theo nhiều công cụ, thiết bị khảo sát, nghiên cứu để giúp các nhà khoa học hiểu được nhiều nhất về “người hàng xóm đầy bụi” này của Trái Đất.

Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA đã hoàn thành một bước rất quan trọng trong khâu lắp ráp thiết bị cho xe tự hành. Đó là lắp đặt máy bay trực thăng sao Hỏa cho xe.

Đưa máy bay trực thăng sao Hỏa lên không gian là một trong những nội dung thú vị nhất của nhiệm vụ sao Hỏa 2020. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên loài người thử nghiệm và thực hiện được một chuyến bay trực thăng bên ngoài Trái Đất. 

Máy bay trực thăng này được tích hợp với một hệ thống thả gắn vào bụng xe tự hành. Dự kiến sau khi xe tự hành lên sao Hỏa được 3 tháng và di chuyển khoảng 100 mét, máy bay sẽ bắt đầu hoạt động.

Theo thông tin từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, trước khi được triển khai lên bề mặt của hố va chạm Jezero trên sao Hỏa, máy bay trực thăng sao Hỏa sẽ lấy năng lượng từ xe tự hành. Còn sau đó máy bay sẽ tự phát điện nhờ pin mặt trời gắn phía trên đôi cánh quạt của máy bay.

Chiếc máy bay này rất nhỏ, chỉ nặng khoảng 2kg với hệ thống cánh quạt dài 1,2 mét. Dự kiến, máy bay sẽ hoạt động tối đa 1 tháng. Việc triển khai máy bay này không nhằm mục đích khoa học thực sự nào. Nó sẽ không thu thập mẫu vật hay phân tích bất cứ điều gì, mà chỉ đơn giản là để biết nó có thể hoạt động hay không trong bầu khí quyển rất mỏng của sao Hỏa.

Thành công hay thất bại thì chuyến bay này cũng sẽ đem về rất nhiều kinh nghiệm để các nhà nghiên cứu thiết kế cho các máy bay tiếp theo có thể khám phá sao Hỏa và các hành tinh khác được nhanh hơn so với các xe tự hành vốn di chuyển “chậm như rùa”.

Phạm Hường 

Theo BGR